Vì sao Luật Biểu tình, luật về hội chưa xong?

Quyền tự do lập hội và quyền biểu tình (còn gọi là quyền tự do tụ họp hòa bình) là những quyền con người và quyền công dân căn bản. Cùng với nhiều quyền khác, hai quyền này lần đầu tiên được ghi nhận trong Tuyên ngôn phổ quát về Quyền con người, được Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua vào ngày 10-12-1948. Điều thú vị là trước khi LHQ thông qua tuyên ngôn nói trên, Hiến pháp 1946 của Việt Nam đã ghi nhận những quyền ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ra sắc lệnh cho phép biểu tình

Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Đông Dương, chỉ người Pháp mới có các quyền này. Sau ngày 2-9-1945, chính quyền Việt Minh mới ra đời đã bị thù trong, giặc ngoài đe dọa, khiêu khích, tìm mọi cách để lật đổ. Vậy mà ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 31 khẳng định: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao”, do đó “những cuộc biểu tình phải khai trình trước 24 giờ với các UBND sở tại”.

Ngay trong lúc hiểm nghèo nhất, nếu như ban hành thiết quân luật và cấm biểu tình thì cũng là điều có thể hiểu được, Chính phủ Hồ Chí Minh lại ra sắc lệnh cho phép người dân Việt Nam được biểu tình, vì đó “là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa”. Đây là một trong những quyết định thể hiện tinh thần dân chủ triệt để của Chính phủ Hồ Chí Minh, nhờ đó đã được đông đảo nhân dân ủng hộ, giúp sức để giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1946 và kháng chiến chín năm chống Pháp.

Thường vụ QH tại phiên họp 45, trung tuần tháng 2-2016 đã quyết không cho lùi thời gian trình Luật Biểu tình nhưng Chính phủ tiếp tục xin lùi lần nữa. Ảnh: TTXVN

Lùi rồi… lại lùi nữa

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XIII (vào tháng 11-2011), QH đã ra nghị quyết đưa Luật Lập hội và Luật Biểu tình vào danh mục chuẩn bị, nghĩa là dự kiến sẽ thông qua trong nhiệm kỳ. Sau vài kỳ họp, tiến độ của hai dự luật này đã bị trì hoãn. Cũng có lý do hợp lý là cần tập trung sửa đổi Hiến pháp 2013, sau đó xây dựng thì luật sẽ bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Ngoài ra, sau khi thông qua Hiến pháp 2013, QH phải ưu tiên sửa đổi, bổ sung một số đạo luật nền tảng, các luật chuyên biệt có thể làm sau.

Hiến pháp 2013 ra đời, theo Hiến pháp này, việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân bằng luật cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước. Do đó phải khẩn trương ban hành các luật để người dân được hưởng thụ các quyền tự do, dân chủ quy định tại Chương II, trong đó có hai quyền cơ bản là lập hội và biểu tình.

Trước yêu cầu của thực tiễn, tại kỳ họp thứ 7, tháng 5-2014, QH ban hành Nghị quyết 70, đưa dự luật Biểu tình ra lấy ý kiến QH vào kỳ họp thứ 9 (5-2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (10-2015), đồng thời sẽ cho ý kiến dự luật về hội vào kỳ họp thứ 10.

Thế nhưng một năm sau, tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự luật Biểu tình sang Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV. Trước ý kiến không tán đồng, QH chỉ chấp nhận cho lùi việc trình dự luật Biểu tình đến kỳ họp 11 (3-2016) để cho ý kiến, theo Nghị quyết 89 của QH.

Tuy nhiên, tại phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ QH diễn ra trung tuần tháng 2-2016, Chính phủ lại cho hay vì còn nhiều quan điểm khác nhau nên chưa thể trình Luật Biểu tình. Vậy là tháng 3-2016 tới đây, QH khóa XIII sẽ họp kỳ 11, kỳ cuối của nhiệm kỳ nhưng một lần nữa, Chính phủ lại đề nghị lùi việc trình dự luật Biểu tình.

Hiệu lực pháp lý các nghị quyết tính sao?

Qua những lần trì hoãn có thể thấy chí ít trong lĩnh vực lập pháp, là hoạt động hàng đầu của QH, các nghị quyết của QH về việc này có hiệu lực không cao. Chưa thấy ai chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nghị quyết xây dựng luật. Trong khi đó theo Hiến pháp, nghị quyết của QH có hiệu lực pháp lý không kém những đạo luật khác.

Vừa qua, Đảng đã chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, ban hành vào tháng 5-2005, về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết này, trong phần định hướng, có một nhiệm vụ quan trọng là “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”. Nhiệm vụ này nêu rõ: “Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”. Theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước, có thể hiểu là từ nghị quyết này mà QH khóa XII và XIII đã đưa nhiều luật vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ, trong đó có hai dự luật Biểu tình và Lập hội. 10 năm trôi qua, hai dự luật này vẫn chưa được xây dựng xong, cho thấy việc chấp hành nghị quyết của Đảng cũng không nghiêm.

10 năm là một quãng thời gian không quá ngắn. Từ 20 năm qua, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, cũng không thiếu chuyên gia giỏi và tin cậy để hoàn thành việc xây dựng hai đạo luật trên. Việc sửa đổi Hiến pháp vừa qua cho thấy QH đã tốn ít thời gian hơn thế. Vì sao việc xây dựng hai đạo luật liên quan trực tiếp đến hai quyền tự do, dân chủ quan trọng của con người, của công dân, đã được hiến định từ năm 1946 cho đến nay, đã được cơ quan lãnh đạo Đảng đề ra trong nghị quyết lại không thể hoàn thành trong suốt một thập niên? Hơn nữa, kể từ 1-1-2014, mọi biện pháp hạn chế các quyền con người, quyền công dân bằng văn bản dưới luật là vi hiến, vậy QH giải quyết tình hình này ra sao? Thiết nghĩ QH khóa XIII cần trả lời câu hỏi này trước cử tri, trước nhân dân trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Ngày 1-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Biểu tình) cho biết: Do nhiều vấn đề chưa được thống nhất nên dự thảo Luật Biểu tình sẽ tiếp tục được lùi lại để nghiên cứu thêm. Thời gian tới, Bộ Công an với vai trò chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác nghiên cứu để xây dựng dự án luật này.

TUYẾN PHAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm