Vẫn còn tình trạng báo cáo án

Ngày 12-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 để nghe và góp ý cho báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Công an - tòa án - VKS như người một nhà

Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có hiện tượng trong cả án hình sự, dân sự, hành chính kháng nghị phúc thẩm rất thấp. “Đi giám sát ở các địa phương, nhiều khi chúng tôi có cảm giác công an, VKS, tòa án giống như người trong một gia đình, vì vậy mà nể nang nhau, nếu cùng cấp thì rất ít kháng nghị” - bà Nga nói.

Liên quan đến những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, bà Nga cho biết hiện nay một số tòa ra quy định việc báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các loại vụ án. Trong quy chế này, có tòa đặt ra nguyên tắc các thành viên báo cáo phải bảo mật thông tin và phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để lộ, lọt ra việc báo cáo. Các vụ việc phải báo cáo chánh án gồm: Các vụ án hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn hoặc cho bị cáo hưởng án treo; các vụ án dân sự về thừa kế có tỉ phần được hưởng bằng giá trị… và các vụ án khác mà chánh án thấy cần thiết phải gọi lên để báo cáo.

Thẩm quyền của hội đồng xét xử luôn phải độc lập. Ảnh: HTD

 “Chúng tôi thấy rất lạ. Thẩm quyền của HĐXX là độc lập. Dưới quan điểm của tôi thì đó là vi phạm pháp luật, vi phạm thẩm quyền độc lập của HĐXX” - bà Nga nhận định.

Đem ma túy, vật cấm vào trại

Theo báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án, do chỉ đạo quyết liệt nên năm 2014, tình hình an toàn các trại giam đã được bảo đảm. Một số phạm nhân nghiện ma túy, phạm nhân không chịu cải tạo, tìm mọi cách chống đối, liên lạc, móc nối với đối tượng xấu bên ngoài lén lút đưa điện thoại di động, ma túy, tiền mặt, vật cấm vào trại giam vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi đã gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ ở các trại giam.

“Những vi phạm trong trại giam, như trường hợp phạm nhân trong trại Tân Lập dùng FB phát tán lên mạng nhiều cảnh sinh hoạt trong trại, nhiều ảnh chưa có điều kiện xác minh nhưng nhiều người nghĩ đó là dùng ma túy. Năm ngoái thì có hiện tượng trong trại giam vẫn lừa đảo bên ngoài được, hay đánh bạc trong trại giam, đưa vật cấm như điện thoại vào trại, dùng ma túy trong trại… Ngoài những nguyên nhân đã nêu, cử tri ở nhiều vùng hỏi phải chăng có sự tiếp tay của cán bộ trại giam đã để cho phạm nhân mang ma túy và vật cấm vào trại” - bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Hôm nay, các thành viên của Ủy ban Tư pháp tiếp tục góp ý cho các báo cáo và nghe giải trình thêm từ phía các cơ quan tư pháp.

ĐỨC MINH

Tội phạm núp vỏ bọc doanh nghiệp

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014 hoạt động của các băng, nhóm tội phạm còn phức tạp tại các thành phố và các khu vực giáp ranh, chủ yếu dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá… Lực lượng công an đang tập trung đấu tranh với 615 băng, nhóm, trong đó có 161 băng nhóm nguy hiểm, tám băng nhóm có dấu hiệu hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Thủ đoạn hoạt động của các băng, nhóm tội phạm ngày càng tinh vi hơn, núp dưới vỏ bọc các doanh nghiệp, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm