Ứng xử trên biển Đông

. Gần đây, qua báo chí có thấy nói đến Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC). Vậy nội dung cụ thể của Tuyên bố này như thế nào?

+ Thời gian gần đây trên biển Đông, thực tế vẫn thường tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, một số nước có yêu sách chủ quyền khá quyết liệt mở rộng chủ quyền của nước mình ở biển Đông. Vì vậy, năm 1992 các nước ASEAN đã ra một tuyên bố về vấn đề biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin. Theo hướng đó, ngày 4-11-2002, tại Campuchia, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đây là cơ sở pháp lý khu vực để góp phần ổn định tình hình trên biển Đông. Nội dung của Tuyên bố này bao gồm 10 điểm cụ thể như sau:

1. Khẳng định các bên liên quan cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển trong quan hệ giữa các nước trên biển Đông.

2. Các bên cam kết tìm kiếm các con đường để xây dựng lòng tin và sự tin cậy phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

3. Các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do bay trên biển Đông theo pháp luật quốc tế.

4. Các bên liên quan khẳng định giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán giữa họ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua thương lượng trên cơ sở pháp luật quốc tế.

5. Các bên cam kết tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, bao gồm cả việc không chiếm đóng các đảo, đá, bãi hay các địa hình khác hiện chưa có người; giải quyết các bất đồng trên tinh thần xây dựng.

6. Trong khi chờ đợi giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, với tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, các bên tăng cường tìm kiếm các phương thức nhằm xây dựng lòng tin, bao gồm:

- Đối thoại và trao đổi quan điểm giữa các quan chức quốc phòng và quân sự.

- Đối xử đúng mực và nhân đạo đối với tất cả những người đang gặp nguy hiểm hay tai nạn ngoài biển.

- Thông báo trên cơ sở tự nguyện về các cuộc tập trận chung hay phối hợp sắp diễn ra cho các bên liên quan khác biết.

- Trao đổi trên cơ sở tự nguyện - các thông tin cần thiết khác.

7. Trong khi chờ đợi giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm và triển khai các hoạt động hợp tác. Các hoạt động này có thể bao gồm: bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn hàng hải và giao thông trên biển; các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và đấu tranh chống các tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm cả chuyên chở, buôn bán ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, buôn lậu vũ khí.

8. Các bên sẵn sàng tiếp tục trao đổi và đối thoại thông qua phương thức mà họ chấp nhận, bao gồm cả việc tuân thủ Tuyên bố này nhằm mục đích tăng cường quan hệ láng giềng tốt và sự công khai, tạo điều kiện giải quyết hòa bình các tranh chấp.

9. Các bên bày tỏ quyết tâm tôn trọng các điều khoản của Tuyên bố này và sẽ hành động phù hợp với Tuyên bố.

10. Các bên khuyến khích các nước khác cùng tôn trọng các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên bố này.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm