Tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo: Công khai thông tin để tạo đồng cảm

Thông tin mật nên khó phổ cập

Ông Nguyễn Văn Kiền, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết hiện nhiều thông tin về đối ngoại, liên quan đến lãnh thổ, biên giới hải đảo, nhân quyền là thông tin được đóng dấu mật nên rất khó phổ cập. “Vì vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu để công khai chứ hiện tại thông tin về các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại về lãnh thổ, biên giới hải đảo rất thiếu” - ông Kiền đề xuất.

Theo ông Kiền thì để thông tin đối ngoại đạt hiệu quả, trong thời gian tới cần tăng cường các ấn phẩm tiếng nước ngoài. “Có giành được trái tim, tình cảm của thế giới hay không là nhờ thông tin. Nhưng hiện nay chúng ta rất thiếu các ấn phẩm chứa đựng thông tin bằng các thứ tiếng để chuyển tải ra thế giới” - ông Kiền nói.

Ông Đặng Hồ Phát, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết sắp tới Ủy ban sẽ tổ chức đối thoại, gặp gỡ với các đối tượng có quan điểm sai lệch về lãnh thổ biên giới ở nước ngoài; tổ chức tuyên truyền công khai thông tin để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ tình hình trong nước.

Tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo: Công khai thông tin để tạo đồng cảm ảnh 1

Hiện  nay, thông tin về chủ quyền biển, đảo chưa được quảng bá rộng rãi. Trong ảnh: Lực lượng tuần tra và cứu hộ khu vực đảo Trường Sa. Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ

Tin tức về chủ quyền biển, đảo còn thiếu

Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét: Công tác tuyên truyền về biên giới, lãnh thổ biển, đảo chưa được tiến hành một cách có bài bản, chưa xây dựng được bộ tài liệu chuẩn để sử dụng phù hợp với từng đối tượng. Tuyên truyền và đấu tranh dư luận về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông cũng chưa được tiến hành thường xuyên, chưa có hệ thống và hiệu quả còn thấp.

Ông Rứa nhấn mạnh: Thời gian qua dư luận cho rằng có lúc chúng ta bị động, lúng túng trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo. Để khắc phục, cùng với việc nâng cao nhận thức, bổ sung nguồn lực, chúng ta cần tăng cường tổ chức nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện, chuyên sâu về từng vấn đề cụ thể. Đồng thời phải chia từng nhóm đối tượng, nhóm vấn đề để nghiên cứu cách thức tuyên truyền. Đối với những dư luận không đúng do những người vì thiếu thông tin mà có những phát biểu không phù hợp thì chúng ta phải giải thích, tuyên truyền theo hướng cung cấp thông tin chính thống, có căn cứ khoa học và thực tiễn để tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ.

“Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng, quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, thân thiện, tranh thủ được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài” - ông Rứa kết luận.

Biên soạn sách về chủ quyền biển, đảo

"Sắp tới, sách về chủ quyền biển đảo sẽ được biên soạn. Hiện chúng ta có rất nhiều tài liệu để khẳng định chủ quyền biển, đảo nhưng bị phân tán nên việc xây dựng bộ tài liệu chưa được bài bản. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam, Trung ương Đoàn để tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đến thanh niên. Sau đó, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa từng phần vào chương trình giảng dạy của từng cấp học. "

ÔngNGUYỄN VĂN XUÂN, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế - Ban Tuyên giáo Trung ương

HỮU KHÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm