Trọng tâm của kinh tế thị trường là con người

Ông Hans-Gert Pöttering, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho rằng tự do thương mại và phúc lợi xã hội là hai vấn đề cần chú ý trong việc xây dựng chính sách kinh tế. “Suy cho cùng, việc sản xuất cũng như tiêu dùng đều là con người. Con người mới là trọng tâm của sự phát triển chứ không phải là nhà nước hay doanh nghiệp” - ông Hans-Gert Pöttering nói.

Theo ông Hans-Gert Pöttering, cần có một số cơ chế trợ cấp của nhà nước để tạo điều kiện cho tự do kinh doanh thì nền kinh tế thị trường xã hội mới hoạt động được. Việc điều tiết kinh tế không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước mà nhà nước chỉ có thể can thiệp thông qua các thể chế, nguyên tắc. Chẳng hạn như hoạt động của thị trường tự do, sở hữu tư nhân, kiểm sát sự độc quyền,… đều cần có sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước có thể tạo ra khung pháp lý để xã hội phát triển chứ không nên can thiệp sâu.

Trọng tâm của kinh tế thị trường là con người ảnh 1

Nhà nước tạo ra khung pháp lý để doanh nghiệp phát triển chứ không nên can thiệp sâu. Ảnh: HTD

TS Lê Đăng Doanh cũng nhận định hiện nay nhà nước vẫn còn tham gia sâu vào doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Sự tham gia ấy được thực hiện thông qua doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, quy hoạch phát triển ngành, chính sách công nghiệp, quy hoạch vùng,… trong khi lại chưa có sự kiểm soát những đặc quyền, đặc lợi và các nhóm lợi ích trong đó. “Định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải cụ thể hóa. Cạnh đó, cần tạo sự công khai, minh bạch để giảm bớt đặc lợi, kiểm soát những đặc quyền khai thác bất hợp pháp tài nguyên quốc gia vì lợi ích cá nhân. Đồng thời tăng thêm quyền cho nhân dân. Có như vậy mới tăng cường và củng cố sự gắn kết dân tộc, đoàn kết xã hội và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai” - TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.

“Tôi nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, DNNN không phải là phù hợp nhất và không thể thực hiện được cơ chế thị trường. Đối với nền kinh tế thị trường xã hội, nhà nước không đóng vai trò trung tâm mà chính là con người. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu về đạo đức và trách nhiệm với xã hội được xem là cốt lõi của nền kinh tế thị trường xã hội. Từ đó hạn chế sự can thiệp của Chính phủ, sự lạm dụng những chính sách cản trở tự do kinh doanh để đảm bảo sự tham gia của người dân. Vấn đề minh bạch tài chính cũng là một nguyên tắc không thể thiếu của nền kinh tế thị trường xã hội” - ông Hans-Gert Pöttering nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật Nguyễn Như Phát cho biết hiện nay trên thế giới có hai nền kinh tế thị trường là nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế thị trường xã hội. Riêng Việt Nam chọn hướng đi riêng là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đang trong giai đoạn tìm tòi.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm