GIẢI QUYẾT “KHIẾU KIỆN PHỨC TẠP, KÉO DÀI”

“Trên bảo dưới không nghe”: Phải xử

Ngày 18-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Hàng loạt vấn đề nóng bỏng liên quan đến nội dung này đã được đặt ra cùng các giải pháp để xử lý vấn đề trên một cách hiệu quả hơn.

Khiếu kiện đông người gia tăng

Theo báo cáo của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương, những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo tại trụ sở có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Nhất là các khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người trong các vụ việc liên quan đến dự án xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp... Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư Nguyễn Hồng Điệp cho hay đã xuất hiện các vụ khiếu nại, tố cáo đông người mang tính cực đoan, manh động, cố chấp, gây khó khăn cho việc tiếp, giải thích và hướng dẫn công dân.

Một thông tin rất đáng lưu tâm được Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an), cho biết là “trên 70% khiếu kiện có liên quan đến đất đai và khiếu kiện đúng là nhiều”. Cũng theo ông Quân, những vụ việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên khi không được giải quyết thỏa đáng dễ dẫn đến hệ lụy khó lường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta phải đặt mình vào vị trí người dân đi khiếu nại để thấu hiểu dân hơn. Ảnh: ND

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, một trong những vướng trở hiện nay trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo là “Nếu làm tốt cho dân thì mất lòng chính quyền”. Theo ông, công tác tiếp dân là một mắt xích vô cùng quan trọng trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, tại khâu này, hiện nay lại vướng một số điều bất cập, nhất là vấn đề thời hạn giải quyết rất khó được đảm bảo khiến người dân phải khiếu kiện vượt cấp. Cũng theo ông Hạnh, chất lượng tiếp công dân, giải quyết tại địa phương rất thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cấp dưới "lờ" cả kết luận của Thủ tướng (!)

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết có những vụ việc kéo dài đến cả 30 năm. “Và có một điều khó chấp nhận là có những đơn đã có kết luận, thậm chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận nhưng cấp dưới không thực hiện” - bà Ngà cho hay. Ngoài nguyên nhân khách quan dẫn tới việc này, bà Ngà cho rằng có những nơi bảo thủ “phép vua thua lệ làng”, nghĩ rằng mình không thực hiện thì cũng không ai biết. Bà Ngà yêu cầu phải làm rõ những trường hợp này, phải công khai trên thông tin đại chúng các chủ tịch UBND thiếu trách nhiệm trong giải quyết những vụ việc đã có kết luận của trung ương. “Nếu không thì sẽ trở thành “chúng ta nói chúng ta nghe””- bà Ngà nói.

Đại diện Công an TP Hà Nội cũng công nhận có một số nơi dù đã sai nhưng cả khi có kết luận của cấp trên mà vẫn không sửa quyết định của mình, làm người dân bức xúc. “Chính vì vậy mà người dân mới muốn lên gặp cấp trên, muốn gặp Văn phòng Chính phủ, muốn gặp đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, là vậy” - vị này nói.

“Đặt mình vào vị trí người dân để xử lý”

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng công nhận có chuyện chuyển đơn thư yêu cầu các địa phương giải quyết nhưng địa phương lại làm không tốt.

Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Chính phủ trong sáu tháng ít nhất phải một lần đi thăm, khảo sát việc tiếp dân. Tổng Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ cần tăng cường tiếp công dân thường xuyên. Bên cạnh đó, cần thành lập đoàn kiểm tra đột xuất một số tỉnh về việc thực hiện kết luận của thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Một số nơi bảo thủ không thực hiện hay do lý do gì đó sẽ bị xử lý” - ông Phúc cho hay.

Phó thủ tướng yêu cầu: “Cán bộ phải biết dân vận, chia sẻ, đặc biệt là phải có tinh thần trọng dân, lắng nghe ý kiến người dân”. Nơi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo phải là nơi hướng dẫn làm đúng pháp luật, nơi đôn đốc kiểm tra; đề xuất chính sách pháp luật và tạo nên những chuẩn mực từ phong cách đến thái độ tiếp dân. Với những vụ khiếu kiện kéo dài, ông lưu ý có thể mời cả hai bên cùng làm việc và cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết một cách hiệu quả nhất cho dân. Tuy nhiên, cũng cần phòng ngừa những người lợi dụng việc này để kích động những người khiếu kiện quá khích. “Nhưng trước hết, những người tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của dân, phải thương yêu người dân thì mới giải quyết thấu tình đạt lý nhất” - phó thủ tướng nhấn mạnh.

NGUYỄN DÂN

 

Mỗi ngày tiếp bảy đến tám đoàn đông người

Theo Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư Nguyễn Hồng Điệp, trong năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, các vụ khiếu kiện đông người có chiều hướng gia tăng. Có ngày trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà Nước phải tiếp và xử lý bảy đến tám đoàn đông người, có đoàn lên đến vài trăm người. Theo thống kê, số lượng người khiếu nại, tố cáo tại trụ sở này tăng cả về người và vụ việc so với năm 2012 là gần 30%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm