Tranh luận quyền hạn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Theo đề xuất của Ban soạn thảo, Hội đồng BCQG là cơ quan chuyên môn do QH thành lập, hoạt động thường xuyên. Chủ tịch và các thành viên hội đồng do QH bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ năm năm. Cơ quan này không chỉ chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu dân cử theo nhiệm kỳ năm năm một lần, mà còn tổ chức bầu cử bổ sung nếu có hoặc bầu cử mới khi có việc điều chỉnh địa giới hành chính địa phương... Đáng chú ý, ban soạn thảo đưa vào dự luật điều khoản quan trọng: Hội đồng BCQG “hoạt động độc lập và tuân theo pháp luật”, “trung thực, khách quan”.

Cả hai vị lãnh đạo QH đều rất băn khoăn với đề xuất này. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nói: “Ta sửa luật trên nguyên tắc phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Vậy độc lập ở đây là với cái gì? Tôi thấy cần cân nhắc”.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lý giải khi đưa chế định Hội đồng BCQG vào Hiến pháp, có ý kiến lập luận cần một tổ chức như vậy để phụ trách công tác bầu cử cả nhiệm kỳ. “Nhưng tôi thấy không cần. Năm năm bầu cử một lần là xong, cần gì phải duy trì bộ máy cả nhiệm kỳ làm gì! Lập hội đồng là để cho rộng rãi, cho khách quan. Chứ trong hoạt động bầu cử ai lãnh đạo? Không nên giao hội đồng quyền kiểm tra hồ sơ, tư cách đại biểu” - ông góp ý.

Một nội dung khác có nhiều tranh luận là có nên thêm điều kiện để “sàng lọc” người tự ứng cử. Ông Hà Minh Sơn - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, đồng thời là phó ban soạn thảo dự luật cho biết trong các cuộc hội thảo ở địa phương, nhiều ý kiến đề nghị có cơ chế “sàng lọc” trước với người tự ứng cử. Bởi như TP.HCM, chỉ một kỳ bầu cử QH và HĐND thôi đã có cả ngàn người tự ứng cử. “Có những người, nói xin lỗi, có vấn đề trí óc. Lấy chuyện 2-3 lần ứng cử QH của mình làm thương hiệu” - ông Sơn nhắc lại.

Dự luật cũng đưa ra phương án người tự ứng cử khi nộp hồ sơ phải đáp ứng điều kiện có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố nơi cư trú nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá không cần thiết. “Cơ chế hiện tại là ứng cử tự do nhưng vẫn phải gửi hồ sơ lên MTTQ. MTTQ lại đưa về lấy ý kiến cử tri nơi công tác, cử tri nơi cư trú. Ai có vấn đề gì là bị loại ngay rồi. Vậy có cần thêm điều kiện 30% nữa không?” - ông Hùng lập luận.

Hai luật bầu cử đại biểu QH và HĐND được đưa ra sửa đổi lần này theo tinh thần nhập vào làm một, phù hợp với cuộc bầu cử hợp nhất cả QH khóa 13 và HĐND các cấp mấy năm trước.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm