Tranh luận gay gắt việc lập VKS khu vực

Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) xây dựng mô hình VKSND bốn cấp: VKSND Tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và hai phương án tổ chức VKSND khu vực (tương ứng với TAND sơ thẩm khu vực) hoặc duy trì VKSND cấp huyện (như hiện nay).

Giữ nguyên là phù hợp?

Đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích: Thực tế có khoảng 2/3 khối lượng công việc của VKSND cấp huyện gắn với hoạt động cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan thi hành án (THA) cấp huyện nên việc tổ chức mô hình VKSND cần thống nhất, đồng bộ với tổ chức của CQĐT và THA cùng cấp. Điều này nhằm tạo thuận lợi và tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát trong hoạt động điều tra hình sự, nhất là trong việc VKSND phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng của CQĐT, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… Nếu thành lập VKSND khu vực (sáp nhập nhiều VKSND cấp huyện gộp vào) sẽ gây nhiều khó khăn trong hoạt động do khoảng cách về địa lý, tốn kém xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, phương tiện… Vậy nên, “giữ VKSND cấp huyện như hiện nay là phù hợp”.

Nhiều ĐBQH đề nghị duy trì VKSND cấp huyện như hiện nay. Ảnh: HTD

Đồng tình quan điểm trên, nhiều ĐB Quốc hội (QH) đề nghị duy trì VKSND cấp huyện như hiện nay. “Hoạt động của VKSND luôn ở trạng thái động 24/24, phải tham gia hầu hết giai đoạn tố tụng hình sự, phải bám sát tiến độ điều tra, phê chuẩn khởi tố bị can, tạm giữ, tạm giam, kiểm sát giam giữ… Trong điều kiện tổ chức bộ máy của CQĐT, cơ quan THA vẫn giữ nguyên thì việc thành lập VKS khu vực chắc chắn sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS. Hơn nữa, hoạt động của VKSND cấp huyện hiện nay không có gì vướng mắc, khó khăn. Cải cách tư pháp là cần thiết nhưng nếu thành lập VKSND khu vực cho phù hợp với mô hình của TAND sơ thẩm khu vực là không nên” - ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nêu ý kiến.

ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đánh giá: “Tổ chức TAND và VKSND khu vực có khác gì sự sáp nhập về mặt cơ học những tòa án và VKS cấp huyện lại với nhau nhưng chất lượng hoạt động tư pháp chưa hẳn đã được nâng lên vì sự sáp nhập chỉ mang tính chất không gian về địa lý. Cần có một đề án giải quyết vấn đề thẩm quyền của các cấp TAND – VKSND, kèm theo đó là hệ thống của các quy phạm pháp luật về tổ chức cũng như về tố tụng”.

Thay đổi để đảm bảo độc lập

Trái ngược các ý kiến trên, ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng: Việc tổ chức VKSND khu vực để phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND, vừa đảm bảo tính khách quan theo tinh thần cải cách tư pháp vừa tập trung được nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị tốt hơn. Các địa bàn miền núi, hải đảo tuy rộng nhưng số vụ việc xảy ra ít nên tổ chức VKS khu vực cũng không ảnh hưởng đến hoạt động công tố và kiểm sát tư pháp đối với CQĐT và cơ quan THA. Thực tiễn tổ chức CQĐT hình sự trong quân đội và VKS quân sự khu vực cũng không có trở ngại gì.

ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nhận xét: Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực là khâu đột phá của cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp từng bước hiện đại. Kết luận 92 ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị đã khẳng định “tổ chức TAND, VKSND không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. VKSND được tổ chức phù hợp với hệ thống của TAND”.

“Có ý kiến cho rằng tổ chức VKS theo khu vực sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, nhất là vai trò kiểm sát hoạt động điều tra, kiểm sát THA, khám nghiệm hiện trường... Thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Khi bàn về TAND sơ thẩm khu vực đã lý giải những mặt thuận lợi, những mặt khó khăn tương tự và biện pháp khắc phục rồi nên hoạt động VKS khu vực cũng không khó” - ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nói.

BÌNH MINH

 

ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP.HCM):

Không phải sáp nhập cơ học là cải cách tư pháp

Để bảo vệ quyền con người, quan trọng là phải kịp thời chống oan sai ngay từ khi điều tra chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định. Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp, không phải cải cách trụ sở, cải cách “cái vỏ” mà phải cải cách con người, cải cách lương tâm, trách nhiệm, làm sao để người thẩm phán, kiểm sát viên tiến hành tố tụng độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực thi trách nhiệm tố tụng vô tư. Không phải sáp nhập cơ học vài VKS cấp huyện để thành lập VKS khu vực là cải cách tư pháp, là vai trò kiểm sát hoạt động tố tụng sẽ khách quan, độc lập.

Những việc mới quá, có những hạn chế, khiếm khuyết như đã nói trên mà ta cứ quyết theo mô hình khu vực là hậu quả khôn lường. Tôi đề nghị không thành lập TAND sơ thẩm khu vực và cũng không thành lập VKSND khu vực, nên giữ nguyên như hiện nay.

Nếu thành lập TAND khu vực mà vẫn duy trì các VKSND cấp huyện thì cũng không lo gì mô hình này không đồng bộ hay phát sinh trở ngại, vướng mắc. Vì thẩm quyền xét xử của TAND khu vực vẫn phù hợp với thẩm quyền truy tố, công tố tại phiên tòa của VKS cấp huyện. Lúc đó hoạt động kiểm sát điều tra của các VKS cấp huyện vẫn đồng bộ với CQĐT cấp huyện. Các VKSND cấp huyện trong địa hạt tư pháp nào sẽ chuyển hồ sơ, cáo trạng truy tố cho TAND khu vực đó xét xử.

ĐB NGUYỄN BÁ THUYỀN (Lâm Đồng):

Tiền bạc, tình cảm đi vào thì công lý sẽ đi ra

Theo tôi, các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi ba vấn đề: Chính trị - tiền bạc - tình cảm. Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa án thì công lý sẽ cắp cặp đi ra. Tiền bạc và tình cảm không biên giới, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được và sẽ làm cho công lý không còn ở trong đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng cái yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. Vì cán bộ của chúng ta bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng nên mới để xảy ra oan sai.

Không phải nhập cơ quan này với cơ quan khác là tốt. Không phải chúng ta cộng vào tự nhiên nó tốt lên mà cái chính nhất là phải có đội ngũ cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch thì mới làm cho cán cân công lý, công bằng xã hội được thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm