Tranh chấp trên biển Đông

Ở giữa biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay đang có tranh chấp giữa một số nước.

Việc tranh chấp hai quần đảo này đã diễn ra hàng thế kỷ, đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo mà đôi khi đã bùng lên căng thẳng bằng vũ lực. Sự thật lịch sử không thể phủ nhận là Việt Nam đã phát hiện, người Việt ra khai thác sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu, ít nhất từ thế kỷ XVII. Sau đó các nhà nước Đại Việt-Việt Nam đã xác lập chủ quyền một cách hợp pháp và liên tục đối với hai quần đảo này. Tháng 4-1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Sau đó (tháng 1-1974) Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm nốt các đảo phía tây và đã sát nhập toàn bộ quần đảo này vào tỉnh

Hải Nam. Đối với quần đảo Trường Sa, tháng 12-1946, với tư cách đại diện đồng minh giải giáp quân đội Nhật, quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo. Năm 1992, chính quyền Đài Loan tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Đài Loan. Tháng 3-1988, Trung Quốc dùng vũ lực đưa quân chiếm đóng một số bãi cạn. Năm 1992, Trung Quốc lại tiếp tục chiếm thêm một số vị trí nữa... Tháng 12-1979, Malaysia xuất bản bản đồ xác định phần phía nam quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Malaysia. Hiện nay Malaysia đang chiếm giữ năm đảo đá và bãi cạn...Tháng 2-1979, Philippines công bố sắc lệnh xác định hầu hết quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Philippines và sát nhập các vị trí phía đông giáp gần Philippines vào địa phận tỉnh Palawan... Năm 1993, Brunei tuyên bố ranh giới thềm lục địa, tranh chấp phía nam quần đảo nhưng thực tế đến nay Brunei chưa chiếm giữ vị trí nào... Hiện nay Việt Nam đang ổn định chủ quyền đối với nhiều đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.

Đến nay quần đảo Hoàng Sa là huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng; quần đảo Trường Sa là huyện đảo thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết của Quốc hội nước ta ngày 23-6-1994 khi phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã nêu rõ: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực”.

Các nước liên quan trong tranh chấp biển Đông cũng đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của mình qua Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) ký ngày 4-11-2002 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc: Các bên liên quan cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước năm 1982 trong quan hệ giữa các nước trên biển Đông; các bên liên quan khẳng định giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua thương lượng trên cơ sở pháp luật quốc tế; đối xử đúng mực và nhân đạo đối với tất cả những người đang gặp nguy hiểm hay tai nạn ngoài biển...”.

Bạn đọc có thắc mắc về pháp luật biển có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM, số Fax: 08.38345102 hoặc email:baophapluat@phapluattp.vn. Chúng tôi sẽ chuyển thư của bạn đọc đến các chuyên gia uy tín giải đáp

LS.TS. PHAN ĐĂNG THANH

(Kỳ sau: Con đường hợp pháp dẫn đến hòa bình trên biển, đảo)

dotung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm