Tranh chấp biển Đông có thể đưa ra tòa án quốc tế

Đây là quan điểm chung của các học giả tại hội thảo quốc tế về biển Đông vừa kết thúc tại Hà Nội trưa 27-11. Theo các học giả, Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển quốc tế và Cơ chế trọng tài quốc tế có thể được áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Theo hướng này, các bên có thể đàm phán song phương và đa phương, hai tiến trình này cần có tính tương hỗ cao.

Gần đây, các nước trong vùng biển Đông soạn thảo và nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Đây trở thành dịp để các nước khẳng định chủ quyền, làm dấy lại làn sóng khẳng định, phản đối giữa các nước có chung tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Điển hình là việc Trung Quốc chính thức đưa ra “đường lưỡi bò” để phản đối các nước khác nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài.

Theo các học giả, trước mắt các bên có thể “gác tranh chấp để đi vào hợp tác”, miễn là các bên nhất trí được một số điểm chính như khu vực địa lý, lĩnh vực hợp tác, chủ thể và cơ chế hợp tác.

Học giả Indonesia cho rằng đây là điểm mấu chốt và khó khăn nhất, phải có ý chí chính trị của các bên liên quan. Lợi thế của việc hợp tác cùng khai thác nằm ở chỗ: đây là những biện pháp xây dựng lòng tin cụ thể và hữu hiệu, góp phần xóa bỏ nghi kị, tạo lợi ích kinh tế cho từng bên và đan xen lợi ích giữa các bên; xây dựng thói quen hợp tác giữa các bên tranh chấp. Hợp tác nghề cá, hợp tác xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống và học thuật là những lĩnh vực hợp tác cần tiến hành trước.

Các học giả cũng cho rằng trước khi có thể đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc hợp tác trong khu vực có tranh chấp, cần phải xây dựng một số điều kiện ban đầu thuận lợi. Đó là đồng thuận bên trong từng nước để từ đó các bên có chính sách ổn định và nhất quán, quan hệ tốt và ổn định giữa các nước trên các mặt để tạo bầu không khí và mối quan hệ hợp tác nói chung và trên biển Đông nói riêng. ASEAN vững mạnh, nắm vai trò chủ đạo trong các vấn đề hợp tác quốc tế và giải quyết xung đột trong khu vực. Biển Đông phải gắn với vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Một số đại biểu còn nhấn mạnh yêu cầu các bên (kể cả những nước ngoài khu vực) tăng tính công khai, minh bạch về chiến lược và chi phí quân sự để giúp xây dựng lòng tin.

Thảo luận trước đó, một số học giả nhận xét ngoài việc đưa ra Tuyên bố ASEAN về biển Đông (1992) và DOC (2002), ASEAN chưa coi vấn đề biển Đông là ưu tiên. Do đó, các học giả nhất trí trước mắt cần tiếp tục quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho biển Đông, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) với các bước về xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột vào khu vực biển Đông.

Theo đánh giá của các học giả, từ hội thảo này đã hình thành một khuôn khổ đối thoại cho giới khoa học về biển Đông.

ĐỨC BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm