Trả lời Chất vấn tại phiên họp UBTVQH: Các bộ đều đúng, địa phương còn thiếu sót

Bộ trưởng Phạm Thị Kim Ngân: Cả nước có trên hai triệu hộ nghèo, chúng tôi không thể kiểm tra nổi việc cấp phát tiền hỗ trợ Tết.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Pháp luật thực hiện bởi con người cho nên phải giáo dục cán bộ, công chức thường xuyên về cái tâm và sự tận tụy.

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn: Hòm vây chân tượng, quán che mắt chùa là lỗi của những người quản lý ở địa phương, ở các chùa.

Nhiều góc cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa đã lộ rõ qua phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm qua (20-3).

Bộ đã tham mưu kịp thời

Lý giải nguyên nhân những sai phạm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo ăn Tết nguyên đán Kỷ Sửu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc tổ chức thực hiện ở cấp xã chưa tốt, phó mặc cho cán bộ thôn, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến sự tùy tiện, tắc trách. Việc quản lý, rà soát hộ nghèo hàng năm ở địa phương nhiều nơi thực hiện thiếu công bằng và chạy theo thành tích...”.

Cho rằng việc thực hiện quá gấp gáp cũng là nguyên nhân của sai phạm, đại biểu Phạm Minh Tuyên hỏi: Chính sách thì hay nhưng làm gấp quá, cận Tết mới triển khai, xin hỏi Bộ có tham mưu kịp thời cho Chính phủ không? Bộ trưởng Ngân trả lời: “Thực tế triển khai chỉ có một tỉnh Trà Vinh là để sau Tết mới chi tiền, còn lại đều thực hiện trước Tết. Không thể nói Bộ tham mưu không kịp thời”.

“Tôi nghĩ nếu thanh tra, kiểm tra tốt thì sẽ khác. Trách nhiệm của Bộ ở khâu này như thế nào?” - GS Nguyễn Minh Thuyết chất vấn. “Trách nhiệm của Bộ là tham mưu chính sách, hướng dẫn triển khai, kiểm tra thực hiện, tổng hợp, báo cáo. Ở đây là sai ở khâu tổ chức thực hiện, chủ yếu là cấp thôn, cấp xã thì trách nhiệm xử lý là trách nhiệm chính quyền các cấp có sai phạm” - bà Ngân trả lời. Bà Ngân trình bày thêm: “Cán bộ lấy tiền của dân để tư túi thì ít lắm, cái sai đôi khi là từ tình cảm, thấy nhà này nghèo quá mà chưa đưa vào danh sách thì chia đều ra để mọi người ăn Tết vui tươi. Tất nhiên làm như thế là sai nhưng tính chất mức độ thế nào thì phải tính toán để xử lý”.

Nhiều đại biểu đặt vấn đề rằng căn gốc của sai là do bệnh thành tích trong việc bình xét hộ nghèo, tới đây phải làm gì để khắc phục. Bộ trưởng Ngân khẳng định tiêu chí đã rõ, hướng dẫn cũng rõ ràng, tới đây Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để khắc phục. “Nhưng chúng tôi không thể nào xuống đến từng nơi được, không thể sâu sát được như cấp ủy, chính quyền, HĐND và đại biểu Quốc hội ở địa phương. Cả nước có 11.000 xã, trên hai triệu hộ nghèo, nếu chỉ mình Bộ giám sát, kiểm tra thì không nổi” - bà Ngân khẳng định.

Không quản được lao động tự do

Trước tình hình suy giảm kinh tế, Bộ trưởng Ngân dự báo năm 2009 sẽ có 300-400 ngàn lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm. Trong số 400 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, sẽ có khoảng 10 ngàn người phải về nước trước khi hết thời hạn hợp đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi: Chúng ta có 46 triệu lao động nhưng chính sách chỉ nói tới lao động trong doanh nghiệp. Vậy lao động trong hợp tác xã, làng nghề thì tình trạng thế nào, thất nghiệp bao nhiêu, Bộ có dự báo và đề xuất gì? Bộ trưởng Ngân trả lời: Chúng ta không quản lý được lao động tự do. Số này luôn chuyển dịch nên khó thống kê được thất nghiệp bao nhiêu. Tuy nhiên, vì lao động này xuất phát từ nông thôn nên Chính phủ cũng có nhiều chương trình hỗ trợ khác như hỗ trợ cho người nghèo, cho vay vốn để sản xuất...

Băn khoăn trước tình trạng tốc độ tăng trưởng giảm mà Chính phủ vẫn đề xuất mục tiêu giải quyết việc làm tăng hơn năm trước và tại sao vẫn chưa đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Thị Khá và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đề nghị bộ trưởng giải trình. Bộ trưởng Ngân đáp: Tăng trưởng chậm thì đúng là việc làm giảm. Nhưng con số mục tiêu 1,7 triệu việc làm mới là do điều tra, khảo sát chứ Bộ không vẽ ra. Theo tính toán, nếu tăng trưởng 5% thì số việc làm mới chỉ là 1,4 triệu. “Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nên Bộ chưa nghĩ đến việc đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu giải quyết việc làm” - bà Ngân nói.

Hà Nội chiếm 2.000/8.000 lễ hội cả nước

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất (gần 2.000). Theo quan điểm của ông thì không có tình trạng lễ hội tràn lan, trùng lặp, kịch bản tổ chức giống nhau. “Có chăng thì chỉ giống ở bố cục, vì nhiều nơi cùng được thiết kế, dàn dựng bởi một công ty, một nghệ sĩ nào đó, còn nội dung thì họ đều tìm ra bản sắc riêng để thu hút công chúng” - ông nói.

“Cả nước có 15.000 chùa. Nhưng đến đâu cũng thấy quán xá bao vây, lấn chiếm mặt chùa. Có chân tượng đặt tới bốn hòm công đức. Bộ trưởng nghĩ gì về tình trạng này?” - GS Nguyễn Ngọc Đào chất vấn. Bộ trưởng Anh thừa nhận: “Đây là lỗi của những người quản lý. Hôm qua, họp với lãnh đạo 11 sở phía Bắc, tôi yêu cầu tới đây phải dẹp bỏ tình trạng hàng quán bao vây các chùa, đền, lễ hội. Cũng đã có quy định mỗi chùa chỉ đặt một hòm công đức, vậy mà đặt tới bốn, năm hòm là sai. Tôi hứa sẽ phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo thông tư quản lý vấn đề này”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba hỏi tiếp: “Tôi đi chùa thấy người ta tranh nhau xoa tiền lên các bức tượng. Đến tỉnh này tỉnh kia thì thấy tổ chức nhiều lễ kỷ niệm rất linh đình. Bộ trưởng nghĩ gì trước các hiện tượng này?”. Bộ trưởng Anh đáp: “Cúng lễ bằng tiền, xoa tiền lên tượng Phật gây phản cảm, báo chí gần đây lên tiếng mạnh mẽ. Đề nghị các ban quản lý, các nhà chùa cùng với chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, xử lý để chấm dứt tình trạng này. Còn kinh tế khó khăn mà tổ chức kỷ niệm này nọ tốn kém thì trách nhiệm thuộc về thủ trưởng những nơi đó”.

Không phát hiện trường hợp đảo nợ

Nhiều đại biểu chất vấn: Hiệu quả thực tế của gói kích cầu đến đâu, có hay không chuyện đảo nợ khiến cho tiền chỉ chạy vòng quanh các ngân hàng? Liệu nó có làm tăng trưởng dư nợ cho Việt Nam trong khi thâm hụt ngân sách đã lớn? Ngân sách kích cầu là tiền thuế của dân, phải công khai, minh bạch, công khai các nhóm lợi ích được hưởng để người dân biết, Quốc hội giám sát.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Tới thời điểm này chưa phát hiện bất kỳ trường hợp đảo nợ nào. Không cần quá lo lắng về tăng trưởng dư nợ, bởi mục tiêu chính sách nhằm vào các khoản vay ngắn hạn, tăng vốn lưu động cho doanh nghiệp nên không làm tăng dư nợ tín dụng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nói: Ngân sách cho đầu tư và tiêu dùng luôn công khai. Với số tiền kích cầu cũng vậy, tất cả ngân hàng tham gia đều công khai việc sử dụng của mình.

Công chức thiếu tâm, người dân khốn khổ

Trả lời một vấn đề đã rất cũ là việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vì sao vẫn “trầy vi tróc vảy”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết Bộ đang rất khẩn trương soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản, hy vọng sẽ kịp trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp tháng 5 này. Cũng theo ông Phúc, pháp luật thực hiện bởi con người nên công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức rất quan trọng. “Chẳng hạn, một người dân đi làm thủ tục, trong một hồ sơ có ba điểm sai, nếu cán bộ hướng dẫn có tâm thì chỉ hết cho người ta về làm một lần là xong. Nhưng cán bộ thiếu tâm thì mỗi ngày chỉ một cái sai và bắt người ta phải sửa nhiều lần” - ông Phúc nói.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm