TP.HCM đề nghị sửa nhiều nội dung về chính quyền địa phương

UBND TP.HCM vừa có báo cáo (lần 1) về việc lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 (dự thảo). Theo báo cáo, đến thời điểm này, 19 quận, huyện và 20 sở, ban, ngành TP đã tổ chức 1.068 hội nghị, hội thảo chuyên đề lấy ý kiến nhân dân; có gần 47.000 người tham gia và hơn 12.400 người đã góp ý trực tiếp cho dự thảo (chưa ghi nhận số liệu về các hình thức góp ý kiến gửi trực tiếp đến cơ quan, đơn vị).

Với các nội dung liên quan đến chương IX “Chính quyền địa phương” (CQĐP) trong dự thảo, báo cáo đã đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng CQĐP phù hợp với địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn. Đồng thời, hình thành cơ sở hiến định để tổ chức bộ máy nhà nước ở đô thị thực sự hiệu quả, phù hợp với đặc thù của đô thị (các TP trực thuộc trung ương).

Theo đó, TP.HCM thống nhất với nội dung đổi tên chương từ “HĐND và UBND” của HP hiện hành thành tên “CQĐP” (Chương IX). Về vấn đề phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, TP đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 115 của dự thảo theo hướng: TP trực thuộc trung ương chia thành TP trực thuộc, quận, huyện và thị xã. TP.HCM cũng đề nghị bổ sung một khoản mới vào Điều 115 là “Việc công nhận và phân loại đô thị do luật định”. Tại khoản 2 Điều 115, TP.HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung: Việc thành lập CQĐP, quy định chức năng thẩm quyền của CQĐP do luật định và phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn.

Đồng thời, TP.HCM cũng đề nghị bổ sung thêm một điều khoản trong chương CQĐP về nguyên tắc phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Theo đó, việc xác định nguyên tắc này có thể thực hiện theo cách thức: nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền đặc biệt của trung ương, nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền độc lập của địa phương (trong đó có chính quyền đô thị) và nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền chung cần có sự phối hợp giữa trung ương và địa phương khi thực hiện.

Báo cáo của TP.HCM cũng không sử dụng tên gọi UBND như trong dự thảo mà ghi là Ủy ban hành chính (UBHC). Theo đó, TP.HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung vào khoản 2 Điều 116 của dự thảo thành: UBHC nơi có tổ chức HĐND sẽ do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành HP, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND.

Với nơi không tổ chức HĐND, UBHC là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành HP, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. TP.HCM cũng đề nghị tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu UBHC trong việc lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBHC, có thẩm quyền quyết định tất cả những vấn đề của UBHC, trừ những vấn đề thực sự quan trọng do tập thể UBHC quyết định theo luật định.

Bảng thống kê ý kiến nhân dân của TP.HCM về một số điều khoản đáng lưu tâm trong Dự thảo sửa đổi HP 1992. (Báo cáo của TP.HCM cho hay: Vì số lượng tán thành đối với các nội dung trong dự thảo sửa đổi này là quá nhiều và đang trong giai đoạn thống kê, tổng hợp lại theo hướng dẫn mới của trung ương nên sẽ báo cáo sau. Trong báo cáo chỉ thể hiện số lượng ý kiến không tán thành và số đề nghị sửa đổi, bổ sung.)

T.HƯƠNG - M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm