Tổng Bí thư: Nước phải giàu, dân phải mạnh mới là thành công

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII bế mạc sáng 1-2, sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Và như thường lệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự họp báo. Đây là lần thứ ba ông xuất hiện trước PV trong, ngoài nước - đều ngay sau đại hội mà ông được tín nhiệm bầu làm Tổng bí thư.

Trước ống kính báo đài trong nước, hơn 60 PV quốc tế và được kết nối trực tuyến tới các hãng thông tấn có quan tâm, vị Tổng bí thư 77 tuổi với mái tóc trắng phau, vẫn phong cách dí dỏm, gần gũi như ngày nào: “Tôi vừa phát biểu bế mạc đại hội, xong phải đi chào, hỏi, bắt tay, hết đoàn này đoàn kia xin chụp ảnh, rất vui. Giờ đi vào đây, hồi hộp quá…”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự họp báo sau Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

"Đây là một trong những đại hội thành công nhất”

Mở đầu cuộc họp báo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chậm rãi nói:

Lâu nay, sau mỗi kỳ đại hội, tôi, với tư cách đại biểu tham dự vẫn muốn được gặp anh chị em báo chí trong, ngoài nước, không phân biệt. Trong nước cũng quan trọng, ngoài nước cũng quan trọng. Cái chính là được gặp gỡ, cám ơn các anh chị.

Về Đại hội XIII của Đảng ta, đến giờ phút này, có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân rằng đã thành công rất tốt đẹp. Nói “Rất tốt đẹp” - phải cân nhắc lắm, vì chưa tổng kết, chưa có ý kiến của tập thể. Nhưng ý kiến cá nhân tôi, có thời gian làm báo suýt soát 30 năm, giờ xin tạm gọi là nhà báo, thấy rất vui mừng…

Tôi được dự nhiều đại hội, có lẽ lần này, không biết mình nói có chủ quan và kiêu ngạo không, là một trong những đại hội thành công nhất, một cách thực sự cả về nội dung, cả về hình thức, cách thức tổ chức, thực hiện.

Thứ nhất, văn kiện kỳ này nhiều lắm, làm suốt từ năm 2018 đến giờ, sửa đi sửa lại 80 lần, lấy ý kiến các ngành, các cấp, có thể nói là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thảo luận phong phú, thống nhất rất nhanh.

Thứ hai, công tác nhân sự, cũng làm từ năm 2018. Chưa bao giờ như lần này, làm chu đáo, cẩn thận - có thể nói là thận trọng, khách quan, công tâm. Từng bước, từng việc, dễ đến khó, rộng đến hẹp, hết việc này mới sang việc khác, có lớp lang, cẩn thận. Kể ra với các bạn thì dài, tôi nói vắn tắt thế thôi. Vì vậy, đưa ra đại hội bàn không nhiều, thống nhất rất nhanh.

Thứ ba, cái mới là công tác tổ chức, phục vụ đại hội. Hiếm đại hội nào chu đáo, cẩn thận từ nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, cách thức làm việc. Mấy khi các đồng chí (đại biểu) về Hà Nội. Từ miền núi, miền biển xa xôi về, trong bối cảnh dịch COVID-19, lo lắm. Và còn là để chống tình trạng gặp gỡ, ăn uống, chè chén, vận động, xin phiếu bầu. Lần này quyết tâm làm rất mạnh.

Ba vấn đề trên, tôi là người trong cuộc, là lãnh đạo, nói ra thì không khách quan. Nhưng các nhà báo, với con mắt tinh tường, với sự nhạy cảm, chắc cũng nhận xét, so sánh được.

Đưa đất nước phát triển ở một tầm cao mới

Theo mạch nội dung trên, Tổng bí thư nói tiếp: Đại hội toàn việc lớn, việc khó, nhạy cảm, hết sức phức tạp. Công tác nhân sự mà cứ lộ ra sắp tới ông nào làm gì là đã phức tạp. Rồi sắp tới mình có được bầu không, ông kia sao lại hơn phiếu mình, lại tâm tư ngay.

Nhưng các anh chị thấy đại hội bầu một lần là xong, đủ cả chính thức, dự khuyết. Ban Chấp hành (BCH) Trung ương họp hôm qua, dự kiến cả ngày nhưng có buổi là xong. Bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương… rất nhanh, thống nhất cao.

Không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi, phấn khởi, mừng thấy đất nước phát triển, đại hội thành công. Thành công không phải tự nhiên sẽ có, chắc các bạn sẽ tìm hiểu kỹ. Nếu tổng kết được, rút ra những vấn đề mang tính chất lý luận, nâng tầm lên thì không chỉ cho năm năm vừa qua mà cho cả giai đoạn từ Đổi mới đến nay, và cho 10 năm, 20 năm tới.

Bây giờ chúng ta vui vẻ thì đúng rồi. Nhưng quan trọng hơn, sắp tới đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống thế nào. Chứ vừa qua kiểm điểm thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Phải thể chế hóa, phải chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới, phải ra của cải vật chất. Nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của Nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công. Chứ không phải thông qua nghị quyết, vỗ tay là đại hội thành công.

Mọi việc suôn sẻ, không khí phấn khởi, đại hội ra nghị quyết, truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí bản lĩnh để sắp tới đưa đất nước phát triển ở một tầm cao mới, để Việt Nam “ngày càng sánh vai với các cường quốc năm châu”. Lúc bế mạc, tôi có nhắc lời Bác Hồ, “Đại hội làm cho đã đoàn kết rồi thì càng đoàn kết hơn nữa, đã tiến bộ rồi thì càng tiến bộ hơn nữa”.

“Vừa đại hội xong, xuống đây, nghĩ thế nào nói thế, thấy thế nào báo cáo lại như vậy, đúng hay không nhờ con mắt tinh tường của các nhà báo. Nếu tôi nói gì sai các đồng chí sửa cho, phê bình rằng ông Trọng hôm nay nói không đúng. Tôi xin chấp nhận” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc phần chia sẻ đầu tiên của mình trong không khí gần gũi, cầu thị. Sau đó cuộc họp báo tiếp tục với phần đặt câu hỏi của báo chí.

“Tôi cũng xin nghỉ rồi nhưng đại hội bầu thì vẫn phải làm”

. Báo Pháp Luật TP.HCM: Xin gửi tới Tổng bí thư lời chúc của bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Chúc Tổng bí thư mạnh khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiệm kỳ tiếp theo của mình. Nhiệm kỳ trước đã làm tốt, nhiệm kỳ này sẽ tốt hơn.

Thưa Tổng bí thư, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhiệm kỳ XII rất thành công. Nhưng như tổng kết ngay trước đại hội thì kết quả mới là bước đầu. Phát biểu ở Đại hội XIII, Tổng bí thư cũng nhận định như vậy. Xin hỏi ở nhiệm kỳ tiếp theo này sẽ có điều chỉnh gì để công tác này bền vững hơn? Đặc biệt là thể chế nhà nước pháp quyền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cám ơn các bạn đã chúc mừng.

Sức khỏe - đúng là nhân tố rất quan trọng, không nói là quyết định để làm việc. Tôi cũng không được khỏe lắm. Tôi cao tuổi rồi, cũng xin nghỉ rồi nhưng đại hội bầu thì vẫn phải làm, vì đảng viên phải chấp hành. Tôi sẽ cố gắng hết sức.

Nhưng làm được hay không thì phải là tập thể, phải là đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nhất trí mới làm được. Cá nhân vai trò cũng quan trọng nhưng chỉ là cá nhân thôi.

Về PCTN, tôi vẫn còn nói nữa. Ai có ghét thì tôi vẫn cứ nói - tôi nói vui như thế, nói với tinh thần hết tâm huyết của mình…

Hôm nay lại được các đồng chí hỏi lần nữa. Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ nước ta, nước nào cũng có. Không chỉ thời nay, thời nào cũng có. Chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Đây là bệnh của người có quyền, có chức, lại nắm trong tay tiền của thì rất dễ, không chỉ tham nhũng, mà còn tiêu cực, lợi ích nhóm.

Từ năm 2013, khi tôi được phân công làm trưởng Ban chỉ đạo PCTN - trực thuộc Bộ Chính trị, đến giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, bao nhiêu ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị kỷ luật, đi tù. Thậm chí thu hồi tài sản, tôi cũng không tưởng tượng được, có vụ hàng triệu đôla, hàng bao nhiêu tỉ đồng.

Tôi đã nói là không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm. Thấy tôi yếu yếu, mệt mệt, có người cũng lo chùng xuống, liệu sắp tới đại hội rồi có làm không? Tôi nói mai đại hội mà hôm nay đến ngày xét xử, chín rồi thì vẫn đưa ra tòa.

Vừa rồi bao nhiêu vụ đó, đến cả nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư TP.HCM, rồi chủ tịch Hà Nội,... Sát đại hội mấy ngày còn khởi tố.

Làm không ngừng, không nghỉ, bất cứ lúc nào. Nhưng cốt không phải để trị ai, thù oán ai mà hoàn toàn nhân văn, nhân đạo.

Tôi nhắc lại câu nói của Bác Hồ: Cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, cho nặng mới là nghiêm.•

 

Va ly tiền và dũng khí của cán bộ kiểm tra

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể: Hội nghị tổng kết công tác PCTN (trước Hội nghị Trung ương 14) tôi đã kể rồi: Có người xách một va ly đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm, hối lộ. Đồng chí cán bộ kiểm tra bảo mở ra xem, thấy tiền, đôla, liền yêu cầu khóa lại, lập biên bản…

Chống tham nhũng phức tạp, khó khăn như vậy. Nếu không có dũng khí, tình cảm chân chính, bản lĩnh thì dễ mắc lắm. Ai chả thích của, thích tiền! Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất! Chết cũng không mang tiền theo được!

Tôi xin khẳng định PCTN là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa một bước. Còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu người ta không tu dưỡng, rèn luyện thì còn xảy ra tham nhũng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm