Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Uy tín trước dân là thước đo chủ yếu

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Uy tín trước dân là thước đo chủ yếu ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày 12-1, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày báo cáo tóm tắt những nội dung chủ yếu của các văn kiện trình đại hội (bạn đọc xem toàn văn trên phapluat online www.phapluattp.vn). Báo cáo đã nêu bật những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm của năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Trong báo cáo này, nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục được khẳng định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng cơ bản trong thời gian tới.

Bộ máy phải thông suốt, trong sạch

Về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, báo cáo khẳng định phải bảo đảm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cụ thể, phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tăng hợp lý số lượng ĐBQH chuyên trách; có cơ chế để ĐBQH gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Bên cạnh đó, phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Uy tín trước dân là thước đo chủ yếu ảnh 2

Các đại biểu trong phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn, hợp lý; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ. Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương...

Với hệ thống cơ quan tư pháp, nhiệm kỳ tới phải đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Đổi mới hệ thống tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, mở rộng thẩm quyền xét xử đối với các khiếu kiện hành chính; viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức tòa án, bảo đảm các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Cạnh đó, phải tăng cường cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Chú trọng giám sát người đứng đầu

Song hành và đồng bộ với đổi mới tổ chức, bộ máy, báo cáo nhấn mạnh phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ, có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.

Nội dung này cũng rất gần với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Theo đó, cần đánh giá và sử dụng đúng cán bộ, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ tám phương hướng cơ bản:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tịch thu tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng

Nhiệm kỳ tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng, tịch thu sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham nhũng; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

(Trích Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X
về các văn kiện trình Đại hội XI)

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm