Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình

Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau kỳ họp thứ bảy, ngày 1-7, trước nhiều băn khoăn, bức xúc của cử tri về tình hình biển Đông, về mối quan hệ với Trung Quốc (TQ), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa mà TQ đang chiếm giữ.

“Luôn gìn giữ độc lập, chủ quyền”

Tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc trước những hành xử của TQ khi ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn tấn công tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam. Cử tri Phạm Văn Tá (Tây Hồ) đề nghị phải làm cho nhân dân thế giới thấy rõ hơn nữa Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Cử tri Bùi Đức Thập (Tây Hồ) đề nghị nên có thái độ quyết liệt hơn trước mưu đồ bá quyền của họ. “Về mặt pháp lý thì phải kiện TQ ra tòa án quốc tế. Trong nước thì tiết kiệm, chống lãng phí để có tiền đóng nhiều tàu to hơn, lớn hơn cho các lực lượng bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa của chúng ta” - ông Thập nêu ý kiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) sáng 1-7. Ảnh: THÀNH VĂN

Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư cho rằng vấn đề biển Đông là vấn đề rất lớn, hệ trọng và nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Vấn đề này “liên quan tới sự ổn định và phát triển của đất nước, giữ gìn độc lập, chủ quyền quốc gia, giải quyết quan hệ với TQ” - Tổng Bí thư cho hay.

Tổng Bí thư cho rằng vì TQ là một nước láng giềng lớn và vấn đề đặt ra là phải xử lý mối quan hệ này cho phù hợp. Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng? “Việc này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã xảy ra nhiều lần rồi. Chúng ta phải tìm cách làm sao chung sống hòa bình đồng thời phải giữ được độc lập, chủ quyền”  - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, trong kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, ngay từ những ngày đầu tiên bổ sung vào chương trình QH về tình hình biển Đông. QH đã nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận sâu về vấn đề này. Sau đó QH đã ra thông cáo tuyên bố việc TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. “Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án và yêu cầu TQ phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đấu tranh một cách toàn diện

Theo Tổng Bí thư, hiện chúng ta chủ trương đấu tranh một cách toàn diện từ thực địa đến chính trị, ngoại giao. Nhưng với tinh thần tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Nếu xảy ra chiến tranh sẽ trái với mục tiêu hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Đề cập đến ý kiến nói rằng nếu xảy ra chiến tranh thì sao, Tổng Bí thư cho rằng chúng ta cũng phải chuẩn bị tất cả khả năng. Nhưng trên tinh thần là làm cho điều đó không xảy ra. “Trong thời buổi bây giờ, không ai muốn chiến tranh. Nên mọi hành động, lời nói, việc làm cần tính toán tổng thể, phối hợp nhịp nhàng trên các mặt trận” - Tổng Bí thư cho hay.

“TQ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” - Tổng Bí thư nói và cho biết trên thực tế TQ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa mà lần gần nhất là năm 1974.

“Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Chúng ta sử dụng tất cả biện pháp, kể cả đấu tranh pháp lý” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

THÀNH VĂN

Kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Trần Văn Truyền

Đề cập đến các thông tin liên quan đến việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, có nhiều bất động sản và đã ký 60 quyết định bổ nhiệm trước khi về hưu, cử tri quận Tây Hồ đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ vụ việc này để cho người dân tin tưởng.

Trả lời cử tri, Tổng Bí thư khẳng định vừa qua Ban Bí thư đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành xác minh nguồn gốc tài sản của ông Trần Văn Truyền. Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm. “Dù có về hưu cũng vẫn phải làm cho rõ. Quan trọng là chúng ta phải xử lý đúng người, đúng pháp luật” - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng khẳng định tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm, là kẻ thù trong mỗi chúng ta, trong mỗi đơn vị, cơ quan, tổ chức chúng ta. Đây là mặt trận nóng bỏng song lâu dài. Thời gian tới cần chấn chỉnh những khâu yếu như là kê khai tài sản, thu hồi tài sản do tham nhũng… để việc xử lý tham nhũng hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm