Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Tiểu ban văn kiện Đại hội XII của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại phiên họp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp. Cùng dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là Thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Tại phiên họp, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng báo cáo Tờ trình Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII về "Dự thảo ĐCCT và kế hoạch xây dựng Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, tại Đại hội XII của Đảng”. Các Thành viên Tiểu ban thảo luận nhận xét, đánh giá kết quả chuẩn bị của Tổ biên tập văn kiện; cho ý kiến về chủ đề và phương châm chỉ đạo Đại hội XII; về kết cấu của Báo cáo chính trị tại Đại hội XII; về các vấn đề lớn của Dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị; về kế hoạch từ nay đến Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI).

Theo Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 25-10-2013, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII được thành lập, đi vào hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tiểu ban nhận các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, các quyết định của Chính phủ, Quốc hội và làm việc với các cấp, các ngành về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị, Dự thảo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn kiện khác trình Đại hội XII của Đảng.

Theo đề xuất của Tiểu ban Văn kiện, ngày 8-1-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định thành lập Tổ Biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tiểu ban Văn kiện trực tiếp chỉ đạo Tổ Biên tập khẩn trương, tích cực triển khai các bước chuẩn bị: Đề xuất định hướng tư tưởng chỉ đạo trong chuẩn bị văn kiện; đề xuất các phương án về chủ đề (tiêu đề Báo cáo chính trị) và phương châm chỉ đạo của Đại hội XII; đề xuất kết cấu và nội dung Dự thảo (qua các bước: Đề cương sơ bộ, Đề cương chi tiết và toàn văn Báo cáo chính trị).

Với tinh thần tâm huyết và trách nhiệm cao, Tổ Biên tập đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Các nhóm của Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập và Tổ Biên tập đã nghiên cứu và họp nhiều phiên để thảo luận các nội dung chuẩn bị. Thường trực Tiểu ban và Tiểu ban Văn kiện đã tổ chức các cuộc họp thảo luận về nội dung và chỉ đạo công việc. Bộ Chính trị đã họp, thảo luận, cho ý kiến để Tiểu ban Văn kiện bổ sung, tu chỉnh Dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị trình Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5-2014).

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao nỗ lực của các Thành viên Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập, thực hiện nội dung nhiệm vụ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các nội dung, công việc đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương, trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, các tổ chức và các nhà khoa học...

Về chủ đề Đại hội XII, Tổng Bí thư cho rằng: Cần có chủ đề Đại hội XII (cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị), thể hiện mục tiêu, trọng tâm xuyên suốt trong nhiệm kỳ, có ý nghĩa quy tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; chủ đề Đại hội cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có tính đột phá để thực hiện trong 5 năm tới. Tổng Bí thư chỉ ra điểm thuận lợi là Tiểu ban Văn kiện đã xin ý kiến Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về các phương án. Tại phiên họp lần này, trong 5 phương án được gợi ý, các Thành viên thống nhất nhiều hơn với phương án thứ nhất, nhưng có bổ sung, bước đầu thống nhất được chủ đề. Tuy vậy, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Việc xác định chủ đề Đại hội của Đảng có ý nghĩa rất lớn đối với định hướng xây dựng nội dung Báo cáo chính trị và các Văn kiện khác của Đại hội. Đây là vấn đề rất hệ trọng, sẽ được nghiên cứu, thảo luận tiếp theo trong suốt quá tình xây dựng các Văn kiện của Đại hội.

Về phương châm chỉ đạo Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư nhất trí cần có phương châm chỉ đạo phù hợp với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ; nhất trí nêu ra một số phương án để tiếp tục thảo luận. Trong đó cần nhấn mạnh các thành tố: Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới...

Về việc chuẩn bị Dự thảo ĐCCT Báo cáo Chính trị Đại hội XII, Tổng Bí thư khẳng định: Những nội dung nêu ra trong Dự thảo Đề cương có tính chất xác định bước đầu, vừa có tính chất mở để tiếp tục cập nhật, hoàn thiện từ nay đến trước Đại hội, với tinh thần đánh giá đúng mức những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; dự báo bối cảnh tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới; sơ bộ dự báo chiều hướng phát triển; đề xuất bước đầu về định hướng chủ trương, giải pháp lớn giai đoạn 2016-2020; đề xuất các vấn đề lớn cần được làm rõ trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội XII.

Tổng Bí thư cho rằng, Dự thảo ĐCCT Báo cáo chính trị đã được xây dựng trên cơ sở quán triệt, tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 9; theo tinh thần của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013; nghiên cứu, sử dụng tối đa các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XI về các vấn đề có liên quan. Tổng Bí thư lưu ý: Trong quá trình biên tập Dự thảo ĐCCT Báo cáo chính trị, chú trọng những quan điểm và định hướng lớn mà các nghị quyết đã xác định, đồng thời căn cứ vào tình hình và những kết quả nghiên cứu mới, bổ sung, làm phong phú thêm, hoàn thiện những nội dung đó, nhưng không làm sai lệch tinh thần của các nghị quyết.

Tổng Bí thư nhất trí cao với việc đổi mới kết cấu và cách thức viết, thể hiện Báo cáo chính trị Đại hội XII theo hướng gồm một hệ thống các vấn đề lớn. Trong đó, ngoài phần đánh giá tổng quát tình hình và phương hướng đổi mới chung, những phần khác đi sâu vào từng vấn đề lớn (bao gồm cả đánh giá tình hình, định hướng chủ trương và giải pháp lớn). Tổng Bí thư đồng tình với nhiều ý kiến, cho rằng theo kết cấu này, sẽ dễ viết, dễ hiểu, dễ tổ chức thực hiện và dễ kiểm tra. Tuy vậy, Tổng Bí thư cũng chỉ ra yêu cầu phải xác định số lượng vấn đề một cách phù hợp, cần nghiên cứu nhập – tách, thêm  - bớt các vấn đề sao cho hợp lý, để vừa đảm bảo sự liên hệ mật thiết với nhau trong tính tổng thể, nhưng cũng thể hiện rõ nội hàm riêng, xác định đúng góc tiếp cận, phạm vị, trọng tâm của từng vấn đề để tránh trùng lặp.

Tổng Bí thư đề nghị: Ngay sau phiên họp, các Thành viên Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập cần bắt tay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ kiên quyết, khẩn trương. Trong đó, cần coi trọng tổ chức một số buổi trao đổi trong các Nhóm biên tập, Tổ biên tập... Cùng với đó phải lựa chọn các vấn đề mới, khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau đưa ra xin ý kiến và tập trung thảo luận kỹ. Chú trọng việc xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các lão thành cách mạng... ở một số nội dung, vấn đề quan trọng.

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương 10 vào cuối năm 2014, Ban chấp hành Trung ương sẽ thông qua Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII để đại hội các cấp thảo luận, tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Tin, ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN (QĐND Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm