'Tôi kỳ vọng nhà lãnh đạo phải trung thực với chính mình và dân tộc'

Còn ít ngày nữa Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ khai mạc. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ: “Trách nhiệm, sứ mệnh trong nhiệm kỳ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là cực kỳ nặng nề. Đấy là suy nghĩ thường trực trong tôi những ngày này”.

Chông gai phía trước

+ GS Vũ Minh Giang: Chúng ta thường nói cơ hội đi liền với thách thức. Nhưng theo tôi, ở thời điểm này, trong giai đoạn này thách thức nhiều hơn, lớn hơn và rõ hơn, trong khi cơ hội thì đâu đó còn mờ ảo, ẩn hiện lắm.

Để hình dung những thành tựu đạt được sau mấy chục năm đổi mới có thể dùng hình ảnh chúng ta mất rất nhiều công sức để san lấp mặt bằng, xây dựng xong đường băng, sắm sửa được máy bay, đã khởi động và lăn bánh. Trong khi máy bay chờ cất cánh thì đã có nhiều tín hiệu cảnh báo, cả về chất lượng đường lăn (hạ tầng cơ sở), tình trạng máy bay (thực lực nền kinh tế và khả năng thích ứng khi hội nhập) và thời tiết có nhiều điều không thuận lợi (bối cảnh quốc tế). Chúng ta đang ở giai đoạn lấy đà trên đường lăn nhưng liệu có cất cánh được không, nếu được thì sẽ bay thế nào là những câu hỏi chưa có lời giải tối ưu và đang là những thách thức hết sức lớn lao. Dường như đà phát triển của một “nền triển kinh tế được cởi trói” đã tới hạn của nó. Phương thức ấy khó có thể áp dụng cho giai đoạn tăng tốc để rời khỏi đường băng.

. Những thách thức mới nào chúng ta cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới, theo ông?

+ Mấy chục năm sau chiến tranh, ta dường như yên tâm với nền độc lập vững bền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì những gì diễn ra trong những năm gần đây, nhất là từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, sâu trong thềm lục địa của ta vào đầu tháng 5-2014, công khai ý đồ độc chiếm biển Đông đã buộc chúng ta phải đối mặt với nguy cơ mà cha ông chúng ta đã từng phải đương đầu. Tổ quốc một lần nữa lại phải “hứng chịu” những thách thức hết sức hiểm nghèo.

Cái khó của chúng ta hiện nay là bảo vệ chủ quyền trên biển không giống như trên đất liền. Nó đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế, có vũ khí hiện đại và lực lượng chiến đấu trên biển tinh nhuệ thông thạo các loại vũ khí, khí tài... Biển Đông là vấn đề không đơn giản, mỗi quyết định đều phải tính toán, cân nhắc trên nhiều khía cạnh. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp.

Thách thức đặt ra cho chúng ta còn ở phương diện văn hóa. Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có cuộc sống vật chất khá hơn, diện mạo đất nước đã “khang trang” hơn và người dân có cơ hội thụ hưởng nhiều hơn cả về vật chất và tinh thần. Nhưng cái cốt lõi của văn hóa là quan hệ giữa người với người thì đang dần nghèo đi và có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt. Trong hầu hết mối quan hệ, TÌNH NGƯỜI dường như bé dần đi, nhường chỗ cho những toan tính thực dụng. Những giá trị truyền thống, những nhân tố làm nên bản sắc và sức mạnh của văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Việc chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có mang lại hứng khởi nhưng phải hiểu thách thức là rất lớn. Cơ hội duy nhất là ta được tham gia vào một thị trường rộng lớn. Còn thành công hay không, cạnh tranh được hay không và kiếm lợi từ đó như thế nào vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thật thỏa đáng.

Nguồn lực lớn nhất của chúng ta là con người. Ta luôn tự hào về trí tuệ người Việt (dù chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh ta thông minh hơn người khác) và có những bậc tiền nhân từ hơn 500 năm trước đã đưa ra triết lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”... Nhưng trên thực tế chưa thấy cái không khí người tài nô nức ra giúp nước. Phát huy nguồn lực con người và cơ chế trọng dụng nhân tài vẫn còn đang nằm trong thời kỳ dò dẫm.

Người dân đặt nhiều kỳ vọng về sự bứt phá trong phát triển đất nước từ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới đây. Ảnh: HTD

Đừng lãng phí cơ hội

. Có ý kiến cho rằng chúng ta cần tiếp tục đổi mới lần nữa. Vậy theo ông, có thể so sánh thế nào giữa hai thời điểm Đại hội XII này với Đại hội VI?

+ Đại hội nào của Đảng cũng có giá trị riêng của nó. Nhưng giá trị mang tính bước ngoặt của mấy chục năm thì phải là Đại hội VI. Lúc đó, chúng ta đứng trước những thách thức lớn tới mức tưởng chừng không thể vượt qua: Trong nước đã xuất hiện tình trạng thiếu đói; sau 10 năm kết thúc chiến tranh, hàng chục vạn người bỏ nước ra đi; lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Ý nghĩa lịch sử Đại hội VI là đã đưa ra đường lối đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng ấy.

Thách thức và khó khăn đang đặt ra hiện nay không giống như hồi ấy. Máy bay vẫn lăn bánh, lấy đà, sẵn sàng tăng tốc. Kinh tế vẫn tăng trưởng, đời sống dân cư từng bước cải thiện. Chỉ có điều chưa biết lúc nào đủ đà để cất cánh, trong khi thấy rõ là mốc 2020 để cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa như Đại hội XI đặt ra đã lỡ hẹn.

. Rõ ràng ta đã có không ít cơ hội để bứt phá mạnh mẽ. Nhìn lại lịch sử, ông thấy những cơ hội đó được tận dụng như thế nào?

+ Ông Lý Quang Diệu trong một buổi gặp gỡ mà tôi có mặt vào năm 2009, đã đưa ra một nhận xét tôi thấy rất chí lý. Ông so sánh: Singapore chỉ có một cơ hội duy nhất là vị trí địa lý, đã biết khai thác tối đa, nhờ đó phát triển được như ngày nay. Còn Việt Nam cơ hội rất nhiều nhưng sử dụng lãng phí. Tức là có những cơ hội ta không nhận thức ra để rồi bỏ qua; có những cơ hội lẽ ra mạnh dạn dấn tới thì sẽ được lợi nhiều hơn nhưng do dè dặt, chỉ khai thác có mức độ nên cái lợi thu được bị hạn chế...

Tôi thấy có thể vận dụng ý thứ hai cho trường hợp nước ta trong thời gian qua. Nghĩa là ta biết khai thác nhưng chưa tận dụng hết nên sau ngần đó năm đổi mới, thành tựu của chúng ta mới từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập ở mức dưới trung bình của thế giới. Đâu đó vẫn canh cánh nỗi buồn vì nếu so với một số nước với xuất phát điểm chẳng hơn ta là bao nhưng sau khoảng một phần tư thế kỷ, họ có thể bứt lên thành những con rồng, con hổ như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Vào những thập niên 60 của thế kỷ trước Hàn Quốc còn tan hoang bởi hậu quả chiến tranh, thậm chí dân còn bị đói, rét thì chỉ sau hơn 20 năm đã trở thành quốc gia đáng nể phục và từ năm 1996 là thành viên khối OECD - những nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới.

. Có sức ỳ tự thân nào đó kiềm chế khiến chúng ta lãng phí cơ hội để bứt phá?

+ Tôi muốn đi sâu vào những hạn chế có căn nguyên từ nền tảng văn hóa Việt Nam, những tác động tự phát đã trì níu sự phát triển của đất nước. Ấy là tâm lý dễ thỏa mãn như anh nông dân cày xong mấy sào ruộng, tối về làm ba bát cơm là ngủ ngon rồi. Ấy là sự ghen tỵ đố kỵ, ghét trội vượt, kèn cựa nhau. Nhiều người cứ tưởng căn tính này tộc người nào cũng có. Xin thưa, đúng nhưng đậm nét, phổ quát, dai dẳng như ta thì trên thế giới không đâu có. Vì sao ư? Vì hoàn cảnh lịch sử của ta là có một không hai trên thế giới: Hơn ngàn năm Bắc thuộc rồi giành lại được độc lập, liên tục phải chống ngoại xâm, rồi lại đắp đê phòng lụt muôn năm… Tác động hằng xuyên ấy đã khiến người Việt có sở trường cố kết phòng thủ để tự vệ, để tồn tại. Mặt tốt của nó là đoàn kết đùm bọc nhau lúc khó khăn, tai biến. Nhưng mặt trái của nó là coi tự do cá nhân, sự khác biệt, trội vượt như… kẻ thù không đội trời chung.

Cho nên chúng ta rất cần những vị lãnh đạo thấu hiểu được chiều sâu đó, tìm ra cách khắc chế, giảm thiểu hoặc cao hơn là biến tất cả những gì mình có, gồm cả điểm mạnh và yếu, thành lợi thế cạnh tranh. Đứng trước những thánh thức, chúng ta cần những nhà lãnh đạo có tư duy bứt phá, cải cách...

. Xin cám ơn ông.

Lãnh đạo phải đau đáu với lợi ích dân tộc

. Ông nhấn mạnh yếu tố con người, trong đó có vai trò người lãnh đạo. Với hơn 40 năm tuổi Đảng, ông mong muốn gì ở người lãnh đạo mà đại hội mấy ngày tới sẽ chọn ra?

+ Việt Nam giờ cần có sự ổn định. Nhưng phải là ổn định lành mạnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng dư địa phát triển của chúng ta vẫn còn nhiều lắm. Vấn đề là định hướng, điều hành chính sách sao cho phát triển lành mạnh, bền vững. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào người lãnh đạo.

Tôi kỳ vọng Đại hội XII sẽ tìm ra những nhà lãnh đạo giữ trọng trách hội đủ ba tố chất:

Thứ nhất, hơn bao giờ hết, phải coi lợi ích dân tộc là số một.

Thứ hai, có bản lĩnh, dám đương đầu, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm.

Thứ ba, trung thực với chính mình, trung thực với dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm