KỲ HỌP THỨ 14 HĐND TP.HCM KHÓA VIII

Tình hình biển Đông là cơ hội để phát triển

“Chủ động chuyển thị trường, cơ hội để phát triển” - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Văn Khoa nhận định tại buổi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của TP.HCM tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP.HCM khóa VIII, ngày 9-7.

Hạn chế tối đa ảnh hưởng

Theo ông Khoa, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam tuy ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế TP nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Bởi khi ta đã có sự chuyển đổi thị trường xuất nhập khẩu (XNK), không còn phụ thuộc vào một thị trường nữa thì bên cạnh những khó khăn trước mắt, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp (DN) của ta chắc chắn sẽ nhiều hơn, kể cả khi quan hệ thương mại giữa hai nước có chiều hướng xấu đi” - ông Khoa nói.

Ông Khoa cho hay ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là hai mặt hàng gạo và rau, củ quả tươi. Hiện gạo ta xuất sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 15,7%, rau, củ quả chiếm 46,5%. Đến nay các DN đã chủ động chuyển sang một số thị trường khác. “Nếu có diễn biến xấu thì XK gạo sẽ giảm 3%-4%, rau, củ quả giảm 7%-10% kim ngạch so với hiện nay” - ông Khoa cho biết.

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Văn Khoa phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: HTD

Theo ông Khoa, các mặt hàng mà ta NK chủ yếu từ Trung Quốc bao gồm vải, máy móc, dụng cụ, phụ tùng sản xuất (Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất), nguyên vật liệu da giày. Trong đó NK nguyên liệu vải chiếm tỉ trọng 39,3%, phụ liệu da giày 24,1%. “Tuy vậy, các DN dệt may trong khối FDI và DN sản xuất theo phương thức gia công không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ các DN hoạt động theo hình thức FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm gia công) mới bị ảnh hưởng” - ông Khoa thông tin.

Cũng theo khảo sát, tính toán của Sở Công Thương, trong trường hợp xấu nhất thì kim ngạch XK của TP trong năm 2014 sẽ bị sụt giảm 310 triệu đôla theo như dự kiến, chiếm 1,03% kim ngạch XK.

Cơ hội phát triển, tăng cường nội lực

Tuy nhiên, ông Khoa cũng nhận định rằng sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi các DN không còn phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc. Điều này giúp ta mở rộng, đa dạng hóa thị trường XNK.

Ngoài ra, các DN còn có thêm cơ hội chuyển đổi đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến. Ông Khoa cho hay có một thực trạng là hiện các DN mua vật tư phụ tùng máy móc từ Trung Quốc do hàng của họ giá cả tương đối rẻ, phương thức mua bán tương đối nhanh, linh hoạt. Nhưng đúng là tiền nào của đó, rẻ mà không bền, vòng đời tuổi thọ của máy không lâu dài. Tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn các dòng máy khác. Sản phẩm làm ra chất lượng không thể cao bằng máy móc từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến.

“Xét về lâu dài, tính hiệu quả, chất lượng không cao bằng máy móc từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây cũng là cơ hội để ta chuyển đổi máy móc tạo ra sản phẩm tốt, cạnh tranh hơn. Cùng với đó còn là dịp để ta tăng cường nội lực, chủ động hơn về nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất, đẩy nhanh phát triển công nghiệp hỗ trợ” - ông Khoa nói

Tuy vậy, để thoát khỏi thị trường truyền thống bấy lâu nay là Trung Quốc, ông Khoa cho rằng về phía DN, cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh. Chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa bạn hàng. Cùng với đó là tăng cường hợp tác với các đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do hoặc sẽ ký trong thời gian tới (như TPP) để tận dụng thuế suất ưu đãi trong hoạt động XNK từ thị trường này.

Về phía Nhà nước, ông Khoa cũng kiến nghị Nhà nước cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Song song đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế áp dụng trong ngắn hạn. Đồng thời triển khai xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về công nghiệp phụ trợ và có chính sách với các DN tham gia lĩnh vực này.

THU HƯƠNG

Hôm nay chất vấn giám đốc Sở TN&MT

Sáng nay (10-7), kỳ họp tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở TN&MT sẽ trả lời chất vấn với ba nội dung: Cấp giấy chứng nhận, xử lý dự án chậm tiến độ và các biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm