Tinh giản bộ máy không phải là cộng gộp cơ học

Tại hội thảo Tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 13-6, nhiều chuyên gia cho rằng dù đã nhiều lần tách ghép các bộ, song bộ máy của Chính phủ vẫn còn quá đồ sộ. Hơn nữa, việc sát nhập các bộ, ngành một cách cơ học, cộng gộp như hiện nay vô tình tạo nên sự rối rắm...

Trong 10 năm qua, tổng số các đầu mối của Chính phủ từ 38 nay rút xuống còn 30, bao gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng giảm xuống còn 17 cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, 10 cơ quan chuyên môn ở cấp huyện. Đây có thể xem là thành tựu.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động xuất hiện một số vấn đề phát sinh. Từ đấy đặt lại suy nghĩ, việc sát nhập vừa qua dựa trên cơ sở khoa học nào? Có phải chỉ là phép cộng cơ học theo ý chí chủ quan?

Ví dụ, ở Sở NN&PTNT các tỉnh vùng biển hay miền núi, công tác quản lý nhà nước về thủy hải sản hay lâm nghiệp chỉ có một phòng chức năng thì khó quản lý nổi! Tại sao ở các tỉnh có đặc thù như vậy chúng ta không tổ chức hẳn một sở chuyên ngành để quản lý lĩnh vực này? Tương tự, đối với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ở các địa phương du lịch phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu... nếu cào bằng như các địa phương khác chỉ có một phòng quản lý du lịch thì cũng khó bề kham nổi khối lượng công việc phát sinh rất lớn hằng ngày.

Tinh giản bộ máy không phải là cộng gộp cơ học ảnh 1

Các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, TP.HCM… mà chỉ có một phòng quản lý du lịch thì khó bề kham nổi khối lượng công việc phát sinh rất lớn hằng ngày. Trong ảnh: Khách du lịch quốc tế đến thăm TP.HCM. Ảnh: HTD

Lẽ ra theo đúng khoa học tổ chức, trước khi sát nhập hay thành lập mới một tổ chức người ta cần xây dựng sứ mạng (lý do tồn tại tổ chức) và tầm nhìn của tổ chức. Còn trong quá trình hoạt động thì phải có đánh giá hiệu quả công việc của các cơ quan này để có những điều chỉnh thích hợp. Tuy nhiên, lâu nay người dân, công luận và kể cả Quốc hội chỉ biết hoạt động của Chính phủ thông qua các báo cáo sáu tháng, báo cáo hằng năm và báo cáo cuối nhiệm kỳ của Chính phủ đọc trước Quốc hội. Qua các báo cáo có thể rút ra những kết luận, các đánh giá hoạt động của Chính phủ trong năm, trong suốt nhiệm kỳ... Tuy nhiên, cách làm có tính thông lệ này dù sao cũng làm cho các đánh giá mang nặng cảm tính, có phần hình thức.

Ở một số nước người ta đã luật hóa việc đánh giá này chứ không phải chỉ thông qua các báo cáo tổng kết hằng năm như ở ta. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền, chính phủ một cách khoa học, bài bản để làm cơ sở cho việc tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước đạt hiệu quả thiết thực chứ không chỉ là những phép cộng gộp cơ học như vừa qua.

Quy định cản người tài làm bộ trưởng

Một trong những điểm yếu kém của 10 năm cải cách hành chính vẫn là vấn đề trình độ, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Riêng với chức danh bộ trưởng, có người cho rằng hiện nay làm bộ trưởng rất khó. Vì cùng một lúc họ phải chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra của ít nhất ba cơ quan: Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ quan của quốc hội, cơ quan Đảng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng làm bộ trưởng ở Việt Nam quá đơn giản, bất kỳ ai đã được giao trọng trách đều có thể làm được. Bộ trưởng ở ta thường phải là ủy viên Trung ương và đã kinh qua lãnh đạo cấp tỉnh, thành. Hai tiêu chuẩn này đã loại đi khá nhiều người có năng lực thực sự, có trình độ, đủ sức làm bộ trưởng. Nếu chúng ta không đổi mới vấn đề này thì rất khó có bộ trưởng giỏi. Thậm chí bộ trưởng có nhất thiết là đảng viên không cũng cần đặt ra xem xét.

TS ĐINH DUY HÒA, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm