Tiết kiệm năng lượng không hô hào suông

Theo các đại biểu, năng lượng ở nước ta ngày càng khan hiếm, tiết kiệm chính là thể hiện trách nhiệm đối với con cháu. Tuy nhiên, dự luật còn mang nặng tính hô hào, khẩu hiệu mà thiếu các quy định, chế tài, không phù hợp với văn bản luật. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nói: “Dự luật còn quá nhiều khẩu hiệu như khuyến khích, vận động, tăng cường nên khó hiệu quả”. Đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) thì cho rằng đã là luật thì bắt buộc thực hiện nên cần phải bỏ bớt những khẩu hiệu mà đưa vào những quy định, chế tài cụ thể trong việc xử lý các hành vi vi phạm tiết kiệm sử dụng năng lượng mọi người mới chấp hành.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu thực trạng lãng phí năng lượng trong việc khai thác. Ông Xuân cho rằng việc dự luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng là chưa thỏa đáng. Ông Xuân đề nghị nên điều chỉnh cả khâu khai thác và trung chuyển năng lượng nhằm giảm lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) thì đề nghị điều chỉnh quy hoạch năng lượng. Thực tế nếu quy hoạch đúng, hiệu quả sử dụng sẽ cao và ngược lại...

Với việc sử dụng năng lượng lãng phí, đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cho rằng các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là nơi gây thất thoát năng lượng rất lớn. Cần phải có quy định bắt buộc các đơn vị này tiết kiệm để làm gương.

Trong buổi sáng, các đại biểu cũng đã thảo luận tại tổ về dự luật Người khuyết tật. Các đại biểu đồng tình với việc quy định của luật là khi xây dựng các công trình, thiết kế các phương tiện giao thông phải thuận lợi, dễ dàng cho người khuyết tật tiếp cận. Doanh nghiệp có 2% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay. Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung vào dự luật quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm