Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH: Thiếu nội dung, kém hiệu quả

Đã thành thông lệ, trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra khoảng một tháng, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của các tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại được tổ chức để các ĐBQH lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến kỳ họp. Tuy nhiên, TXCT trước kỳ họp QH lần này (dự kiến khai mạc ngày 20-5), một số nơi có rất ít cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Trong khi đó có những nơi cử tri đi đông đủ và có nhiều thắc mắc thì lãnh đạo địa phương lại không có mặt để giải đáp.

Đi họp mà “tay không bắt giặc”

Buổi TXCT chiều 22-4 tại UBND quận 8 diễn ra khá chóng vánh. Theo lịch, buổi tiếp xúc bắt đầu lúc 13 giờ 30 nhưng đến khoảng 14 giờ một số cử tri vẫn í ới điện thoại gọi người của phường mình tới.

Có ba người đăng ký phát biểu với ban tổ chức. Sau khi ba người phát biểu xong, người dẫn chương trình liên tục hỏi có ai thêm ý kiến không nhưng cả phòng họp im ru. Mãi sau mới có một chị bên Hội Phụ nữ phường 3 giơ tay xin phát biểu nhưng lại trớt hướt về việc một phụ nữ có hai con nhỏ không có khả năng chăm sóc, muốn gửi con vào mái ấm mà phường không biết làm thế nào...

Không quá nhanh chóng như ở quận 8, buổi TXCT huyện Bình Chánh chiều 28-4 cũng chỉ có ba ý kiến phát biểu sau nhiều lần người điều khiển chương trình “tiếp tục mời ý kiến cử tri”. Bà Khưu Thị Điệp, cử tri xã Bình Chánh, nói: “Cử tri phải nắm vững vấn đề mới hỏi được. Ví dụ như báo cáo của ĐBQH, các dự án luật cần góp ý phải gửi cho cử tri đi họp biết trước. Như vậy mình mới biết mà hỏi và người ta trả lời thì mình còn biết đúng hay chưa mà hỏi tiếp chứ, đằng này...”.

Ông Trương Minh Mãng (cử tri phường 10, quận 11) cũng cho biết: “Nhận được giấy mời thì chúng tôi đi nhưng cũng không biết buổi tiếp xúc sẽ có những nội dung gì. Chỉ khi đến đây nghe ĐBQH đọc các nội dung cần lấy ý kiến thì chúng tôi mới biết”.

Lãnh đạo vắng, cử tri bỏ về

Đúng 8 giờ sáng 24-4, tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức đã có rất đông cử tri tới để dự buổi tiếp xúc. Khi vào hội trường, khá nhiều người tìm ngay tới bàn ghi danh để đăng ký phát biểu. Hai phần ba trong số đó có thắc mắc về vấn đề bồi thường, tái định cư hoặc tranh chấp nhà, đất. Tuy nhiên, trong hội trường, ngoài sự có mặt của hai ĐBQH cùng đông đảo cử tri, không thấy sự xuất hiện của lãnh đạo UBND quận Thủ Đức. Điều đó dẫn đến nhiều lượt cử tri trước khi đứng lên phát biểu đều mở đầu bằng một câu: “Mặc dù không có cán bộ UBND quận ở đây để nghe chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn cứ nói...”.

Ông Trần Quang Trung (khu phố 3, phường Linh Trung) nói: “Bao nhiêu bức xúc, kiến nghị của người dân chúng tôi cần phải có sự giải đáp từ chính quyền nhưng tôi không hiểu tại sao đại diện UBND quận không đến dự”. Còn bà Nguyễn Thị Nhã (khu phố 9, phường Trường Thọ) bức xúc: “Tôi có một vài khúc mắc về đất đai, đã nhiều lần gửi đơn đến UBND nhưng không nhận được phản hồi. Đến hôm nay, đại diện UBND cũng không có mặt, vậy tôi biết hỏi ai?”.

Lúc đầu cử tri đến khá đông nhưng cứ sau mỗi ý kiến của cử tri thì lại có một vài người đứng dậy bỏ về. “Chúng tôi có nói thì cũng thế thôi, chẳng mong chờ gì được trả lời. Có người có trách nhiệm ở đây đâu mà trả lời chúng tôi được” - bà Nguyễn Thị Thành (khu phố 5, phường Trường Thọ) nói. Theo nhiều cử tri, những vấn đề họ kiến nghị trong kỳ tiếp xúc năm nay không mới. Có rất nhiều vấn đề cũ đã nhai đi nhai lại mấy năm trời, có khi cả chục năm mà vẫn không hề có sự thay đổi. Cho đến cuối buổi tiếp xúc, khi ĐBQH giải đáp một số thắc mắc thì số cử tri còn ngồi lại trong hội trường chưa đến 10 người...

Kỳ họp thứ năm QH khóa XII dự kiến khai mạc vào ngày 20-5. Theo đề nghị của nhiều đại biểu, UBTVQH yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ tư, vì lâu nay vấn đề này chưa được xem xét kỹ nên hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri còn nhiều bất cập, không kịp thời, không dứt điểm, tạo sự bức xúc trong một bộ phận nhân dân.

Ông Huỳnh Thành Lập, Phó đoàn ĐBQH TP:

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về đại biểu

Muốn nâng cao hiệu quả TXCT thì phải từ đại biểu chứ không phải từ cử tri. Điều đầu tiên là mỗi đại biểu phải phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm trước cử tri. Ví dụ như đại biểu phải nắm chắc thông tin để khi gặp cử tri thì giải thích được những điều cử tri bức xúc. Đại biểu phải chịu cực đi, chịu cực nghe, chịu cực tìm thông tin, kể cả thông tin báo chí.

Đại biểu cũng phải rành rẽ để nói trong dự luật này thì xin cô bác quan tâm những chỗ nào. Đại biểu phải gợi mở những điều luật cần cử tri góp ý chứ yêu cầu họ đọc hết thì làm sao có điều kiện. Theo tôi, muốn có ý kiến người dân tham gia vào các dự án luật thì phải TXCT theo nội dung. Tức là đối tượng tham dự là những người liên quan, được dự án luật đó điều chỉnh và tác động thì mới có nhiều ý kiến chính xác.

Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Phú Nhuận:

Đại biểu phải biết khơi gợi vấn đề

Việc buổi TXCT diễn ra chóng vánh và ít cử tri phát biểu có nguyên nhân một phần là do tiếp xúc trước kỳ họp nên thông tin không nhiều. Trong khi đó, đại biểu lại báo cáo gọn quá nên cử tri không nắm bắt được nội dung cụ thể.

Theo tôi, đại biểu cần báo cáo nội dung rõ hơn, sâu hơn về các nội dung được bàn ở kỳ họp QH. Đại biểu phải tự gợi ý vấn đề và nêu chính kiến của mình, ví dụ như “kỳ họp này chúng tôi sẽ bàn về chuyện đó nhưng mà không biết ý cô bác cử tri như thế nào về vấn đề này”. Việc gợi mở vấn đề rất quan trọng để cử tri rộng đường thảo luận.

Mặt khác, dù không liên quan nhưng đại biểu cũng phải báo cáo về những hoạt động giám sát của mình để cử tri biết.

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8:

Thêm thông tin “chân rết”

Để buổi TXCT hấp dẫn hơn, theo tôi cần chuẩn bị một số cử tri đại diện cơ sở. Trước khi TXCT, chúng tôi cho MTTQ phường cùng chính quyền cơ sở đi nắm những vấn đề bức xúc của địa phương hoặc thông qua các “chân rết” nắm tâm tư, nguyện vọng của dân. Những cử tri đại diện sẽ nắm được bức xúc đó để chuyển tải tới ĐBQH. Nếu làm tốt việc này thì buổi TXCT sẽ có chất lượng cao hơn, sẽ có nhiều ý kiến góp ý hơn.

Cá nhân tôi đề nghị là nên tổ chức TXCT tại các địa bàn dân cư hoặc có thể đại biểu đi TXCT riêng lẻ theo các khu vực gần gũi người dân thì người ta sẽ đi đông hơn, quan tâm hơn.

NHẪN NAM - THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm