Tiến sĩ Trần Hà Anh: Chọn người tài chứ đừng chỉ chọn người “ngoan”

“Đừng nghĩ các nhà trí thức Việt kiều ở nước ngoài không quan tâm đến vận mệnh của nước nhà. Họ vẫn theo dõi bước đi hàng ngày của đất nước đấy thôi. Tôi ở Việt Nam nhưng cũng không tìm tin nhanh bằng họ. Có buổi sáng, tôi vừa thức dậy, chưa kịp đọc báo thì các nhà khoa học nước ngoài đã gửi thư điện tử về báo tin, nêu các vấn đề thắc mắc và trao đổi, đề nghị cách giải quyết”, tiến sĩ Trần Hà Anh - Trưởng ban Câu lạc bộ Việt kiều TP.HCM mở đầu câu chuyện như thế khi bàn về việc tìm người tài cho Đảng.

Trí thức Việt kiều không thờ ơ

. Thưa ông, nhiệt tình là thế nhưng sự đóng góp chất xám của các Việt kiều hiện nay có tương xứng với tiềm năng hiện có của họ?

Tiến sĩ Trần Hà Anh+ Các Việt kiều hiện nay đóng góp trên hai mặt chủ yếu là tri thức và vật chất. Nhưng xem ra sự đóng góp tiền bạc có vẻ nhiều hơn là chất xám. Lao động tri thức là lao động đặc trưng của thời công nghệ cao. Người lao động chất xám có những đòi hỏi khác về điều kiện, cơ chế làm việc. Tức là người trí thức cho rằng họ “có quyền” lựa chọn và lựa chọn đó rất khắt khe đối với người sử dụng. Họ cần xem người sử dụng có thật sự quý trọng họ không, họ có thật sự được trọng dụng không đã. Và khi đã thấy được vị thế của mình trong “mắt xanh” nhà sử dụng thì họ sẽ đóng góp và đóng góp một cách nhiệt tình. Những nhà khoa học Việt kiều rất mong muốn đóng góp chất xám của mình cho đất nước. Họ không thờ ơ trước bước phát triển đi lên của đất nước đâu. Chỉ có điều là nhà nước mình tạo điều kiện đến đâu để hút họ hay không mà thôi.

. Nói như tiến sĩ thì hiện nay chính sách thu hút chất xám Việt kiều của nước ta chưa hiệu quả lắm?

+ Các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ đâu dễ chấp nhận bỏ môi trường khoa học của mình ở nước ngoài để về nước. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách thể hiện sự trân trọng đối với họ như trả thù lao theo cơ chế thị trường trên cơ sở sự thỏa thuận và hiệu quả đóng góp. Thật ra nhà nước cũng không cần quá ưu đãi mà quan trọng là sử dụng đúng chuyên môn, sở trường; đối xử bình đẳng với họ như công dân trong nước...

Thứ hai, nhà nước cần tạo điều kiện làm việc đầy đủ, môi trường làm việc và sinh sống thân thiện cho anh chị em kiều bào mới về nước. Song song đó, việc sớm giải quyết các vấn đề chung của kiều bào đang là những vấn đề bức xúc nhất: nhà đất, cư trú, đi lại... Được biết hiện các vấn đề này đang được nhà nước chú trọng giải quyết từng bước.

Người tài thường “khó tính”

. Thưa ông, nước ta đang rất cần người tài từ trí thức Việt kiều. Nhưng việc mời gọi các trí thức về nước cũng chỉ mới dừng lại ở việc đóng góp chất xám, làm các công tác khoa học. Việc để những người có khả năng thật sự phát huy hết khả năng của mình ở các vị trí lãnh đạo thì còn hạn chế. Ông thấy điều này thế nào?

+ Hiện nay, cơ chế chọn người làm lãnh đạo ở ta chưa thật sự rộng rãi lắm. Việc chọn lãnh đạo chủ yếu nhắm vào anh nào “ngoan”, “hiền” chứ chưa căn cứ nhiều vào những tiêu chí về tài năng. Trong khi đó, trí thức Việt kiều nếu có tài thì thường “khó tính”. Họ lại phát triển ở những môi trường khác nên khó mà thích ứng.

. Ông có thể cho ví dụ, thưa tiến sĩ?

+ Ta hay coi nặng chế độ lý lịch. Và nếu còn tiếp tục cái này thì sự thu phục người tài sẽ hạn chế đi.

Hiện nay, ở Quốc hội cũng có một số ít đại biểu là các nhà khoa học không phải là đảng viên. Họ cũng đâu có thiếu chất hồng. Riêng bản thân tôi cũng từng làm phó chủ nhiệm một ủy ban ở Quốc hội. Đến lúc về hưu, tôi vẫn không phải là đảng viên. Nhưng cứ nhìn mà coi, có những đại biểu ngoài Đảng cũng rất tâm huyết khi phát biểu những vấn đề lớn của đất nước. Vậy tại sao ta còn chần chừ với việc đưa người ngoài Đảng làm lãnh đạo nếu họ thật sự có tài?

Nói chung, không phải là đảng viên dĩ nhiên chịu “thiệt” một phần về công tác. Chẳng hạn như một người muốn làm đến các vị trí lãnh đạo các sở hoặc lãnh đạo các tỉnh trở lên nếu không là đảng viên thì rất khó đạt được mong muốn. Còn lãnh đạo ở bộ hoặc cao hơn nữa thì phải là ủy viên trung ương trở lên.

Muốn sử dụng người tài, lãnh đạo phải tài

. Vậy điều gì đã tạo nên sự hạn chế trên, thưa tiến sĩ?

+ Muốn sử dụng người tài thì anh cũng phải tài hoặc có đức thu phục nhân tâm. Anh muốn điều khiển người ta mà anh chẳng hơn người ta, thậm chí không đặt nổi bài toán cho người ta thì sao được? Mà người tài đôi khi - như tôi đã nói ở trên lại “khó tính”. Đôi khi họ nói những điều đúng nhưng đối với người chưa nhận thức được thì cảm thấy là nghịch nhĩ. Khổ một điều là nhiều người ở ta hễ bị chướng tai thì không chịu nghe. Đây là vấn đề thuộc bản lĩnh người lãnh đạo. Khi người tài nhiệt tâm đóng góp tri thức của mình cho đất nước mà chỉ vì nghe “chói tai”, lãnh đạo chỉnh lại cho hợp ý mình thì làm sao mà hợp tác được?

. Thưa tiến sĩ, vậy làm sao để nhà lãnh đạo và trí thức Việt kiều có được tiếng nói chung?

+ Tôi nghĩ ban đầu cứ trao đổi qua các phương tiện thông tin từ mạng về các vấn đề nóng của quê hương: từ vấn đề kỹ thuật đến vấn đề tổ chức xã hội. Sau đó, ta dần sàng lọc, mời họ về làm chuyên môn hoặc làm cố vấn để họ có cái nhìn sâu hơn về quê hương. Xa hơn nữa, người lãnh đạo cũng cần mạnh dạn đưa những người thật sự đủ đức, đủ tài và đã trải qua một thử thách nhất định vào các vị trí lãnh đạo. Tôi nghĩ cả hai phía đều cần phải có sự điều chỉnh. Anh em có thể giỏi thật nhưng còn nhiều hạn chế về trình độ tổ chức, trình độ quán xuyến khi làm việc trong môi trường Việt Nam. Chỉ qua quá trình cọ xát thì hai bên mới hiểu nhau. Vì có những vấn đề thuộc về điều kiện quốc gia mà người nước ngoài khó mà thấy được. Đảng và nhà nước cũng nên có cơ chế mở hơn nữa trong việc bổ nhiệm người trí thức Việt kiều làm lãnh đạo.

. Thưa tiến sĩ, còn nhớ những ngày đầu khó khăn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã bổ nhiệm những anh tài ngoài Đảng vào các vị trí lãnh đạo, đâu phải qua sàng lọc quá nhiều?

+ Vì Bác là người rất tài (cười).

. Xin cảm ơn ông !

M.CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm