CHUYẾN THĂM MỸ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Thương mại là điểm sáng nhất trong quan hệ Việt - Mỹ

Nhận định về kết quả chuyến viếng thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ThS Nguyễn Thành Trung, khoa Quan hệ Quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (nghiên cứu sinh tại ĐH Hong Kong Baptist, Trung Quốc), cho rằng: “Vấn đề sáng nhất trong bản tuyên bố chung của hai nước sau chuyến thăm là việc Việt Nam và Mỹ nhấn mạnh đã có những thảo luận thẳng thắn, xây dựng trong nhiều vấn đề và việc Việt Nam ngày càng tham gia hợp tác sâu hơn vào các thể chế khu vực và toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Điều này chứng tỏ Việt Nam và cả Mỹ đã có những thay đổi mới phù hợp về tư duy trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam phải là một phần của thế giới tiến bộ”.

Thương mại hiệu quả, quốc phòng “chậm mà chắc”

. Phóng viên: Theo quan điểm của ông, tại sao chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ lần này lại được truyền thông quốc tế, chính khách quốc tế lẫn giới nghiên cứu quan hệ Mỹ-Việt đặc biệt quan tâm?

+ ThS Nguyễn Thành Trung: Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới truyền thông cũng như giới quan sát đánh giá là “cuộc gặp mặt lịch sử” hay là một cột mốc giữa hai quốc gia có “quá khứ khó khăn và đau buồn” (từ dùng của Tổng thống Obama). Đây được coi là lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ và cũng là một cơ hội hiếm hoi trong lịch sử Mỹ khi tổng thống Mỹ tiếp đón nhân vật chính khách không phải là nguyên thủ quốc gia ở Phòng Bầu dục.

Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hàng loạt cuộc viếng thăm qua lại ở các cấp thấp hơn vào năm 2014 và đầu năm 2015, như của Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị của Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

. Đâu là những kết quả đáng được lưu ý sau “chuyến thăm lịch sử” này, thưa ông?

+ Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá một cách chính xác về những tác động của chuyến viếng thăm này. Tuy nhiên, căn cứ trên những văn kiện được ký kết cũng như tuyên bố chung và hoạt động của tổng tí thư trong thời gian ở Mỹ, tôi nghĩ quan hệ Việt Nam-Mỹ đã có bước chuyển biến sang một tầm cao mới. Hai bên đã trao đổi nhiều lĩnh vực mang tính “xây dựng và thẳng thắn” (cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) trong các lĩnh vực thương mại, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiêu chuẩn quyền lợi người lao động và cả vấn đề biển Đông...

Có thể nói lĩnh vực thương mại có lẽ vẫn là điểm sáng nhất trong quan hệ hai nước, nhất là khi đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác mà nhiều người quan tâm là hợp tác an ninh quốc phòng, tuy không có nhiều bước tiến vượt bậc nhưng có thể nói chậm mà chắc. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã ký bản ghi nhớ (MoU) với ông David Shear, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm gìn giữ hòa bình, huấn luyện, cung cấp trang thiết bị cũng như đào tạo cho lực lượng gìn giữ hòa bình cho Việt Nam. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy về vấn đề giải tỏa chất độc dioxin, vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), quân y, cảnh sát biển, quản lý không gian và vùng biển. Hai bên đã cố gắng tập trung vào vấn đề kinh tế thương mại và tránh đưa ra những cam kết hợp tác an ninh sâu rộng ở vùng biển Đông.

Quan hệ Việt Nam-Mỹ đã có bước chuyển biến sang một tầm cao mới. Ảnh: REUTERS

Hiệu ứng tích cực cho cả hai nước

. Theo ông, chuyến thăm lần này mang lại những hiệu ứng gì cho cả hai nước?

+ Như tôi đã đề cập, thương mại chính là điểm sáng và chắc chắn có nhiều bước tiến mới sau chuyến thăm này, đặc biệt là TPP. Với Việt Nam, dù Tổng Bí thư trong lịch trình dày đặc cũng dành thời gian gặp gỡ giới kinh doanh Mỹ để kêu gọi đầu tư và mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Hiện nay trong các đối tác làm ăn với Việt Nam, Mỹ là quốc gia mà Việt Nam đang có thặng dư mậu dịch nhiều nhất. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 30,6 tỉ USD vào Mỹ, gấp 13 lần so với năm 2002, một năm sau khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA). Trong năm 2014, Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, vượt qua các quốc gia khác như Thái Lan và Malaysia. Kim ngạch thương mại Việt-Mỹ dự tính sẽ đạt 100 tỉ USD sau ba năm kể từ khi ký TPP và Việt Nam hiện nay là quốc gia kém phát triển nhất nhưng được dự đoán là quốc gia cải thiện được tăng trưởng sản phẩm quốc dân (GDP) nhiều nhất trong 12 nước tham gia đàm phán TPP. Hiện nay Mỹ là nhà đầu tư đứng thứ bảy vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 11 tỉ USD, tập trung vào các ngành kỹ thuật cao với các nhà đầu tư lớn như Intel, Ford, Apple và General Electrics.

Trong khi đó với Mỹ, kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể coi là một thành công trong chính sách tái cân bằng ở châu Á của Tổng thống Obama. Điều này rất quan trọng với Washington khi các quốc gia đồng minh theo hiệp ước (treaty ally) của Mỹ ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines đang gặp phải những vấn đề riêng. Thái Lan với tình hình chính trị nội địa bất ổn. Philippines mặc dù đang phát triển nhanh về kinh tế nhưng sức mạnh hải quân đang là vấn đề. Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại động lực sau một thời gian trì trệ...

. Xin cám ơn ông.

Việt - Mỹ và những mốc son

- 28-1-1995: Việt-Mỹ mở văn phòng liên lạc.

- 11-7-1995: Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- 5-8-1995: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher khánh thành Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Việt Nam.

- 5-1997: Hai nước trao đổi đại sứ.

- 25-7-1999: Việt Nam-Mỹ ký thỏa thuận về nguyên tắc Hiệp định thương mại song phương tại Hà Nội.

- 13-7-2000: Hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương sau 25 năm kết thúc cuộc chiến.

- 16 đến 19-11-2000: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam.

- 10-12-2001: Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Mỹ có hiệu lực.

- 31-5-2006: Ký kết Hiệp định thương mại song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

- 17 đến 20-11-2006: Tổng thống Mỹ George W. Bush lần đầu tiên thăm Việt Nam.

- 18 đến 23-6-2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ.

- 23 đến 26-6-2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ.

- 11 và 12-10-2010: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Việt Nam.

- 10 và 11-7-2012: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton thăm Việt Nam.

- 6 đến 10-7-2015: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.