Thuế bảo vệ môi trường chưa đánh trúng vào nguồn gây ô nhiễm?

Thuế bảo vệ môi trường đánh vào năm nhóm hàng hóa là chưa trúng vì mầm mống gây ô nhiễm nguy hiểm chính là việc xả thải của doanh nghiệp…”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói khi thảo luận dự luật Thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23-7.

Theo dự luật, năm nhóm hàng hóa chịu thuế gồm xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã đề nghị bổ sung hàng loạt hàng hóa vào đối tượng chịu thuế như thuốc lá, chất diệt cỏ, hạt nix, hóa chất công nghiệp, tẩy rửa… và cả hoạt động khai thác vàng, khai thác cát.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã bảo lưu quan điểm chỉ đánh thuế với năm nhóm hàng hóa nêu trên, không mở rộng để tránh gây bất lợi cho sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thủ phạm gây ô nhiễm môi trường hiện nay là việc xả thải của doanh nghiệp mà Vedan là vụ điển hình. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề: Có cần thiết phải ra sắc thuế này vì phí môi trường mới đánh vào mầm mống chủ yếu gây ô nhiễm môi trường”.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách không đồng tình việc Bộ GTVT rục rịch thu Quỹ bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Bởi lẽ giá xăng dầu hiện nay đã có nhiều khoản thu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... Xăng dầu không chỉ sử dụng cho giao thông đường bộ mà còn cho đường thủy, đường sắt, hàng không… Thu qua giá xăng sẽ dẫn đến việc lái xe phải nộp trùng phí khi qua đường BOT (thu phí để hoàn vốn)…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thị cũng cho rằng phí môi trường hiện nay đang đánh đồng giữa các doanh nghiệp, họ sẵn sàng trả phí để xả thải, mà không chịu bỏ tiền đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ sạch, xử lý chất xả thải… “Phí bảo vệ môi trường không nên chạy theo tiền, làm lợi cho doanh nghiệp mà hại cho môi trường” - ông nói.

Trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã có quy định về phí một số loại chất thải. Theo đó, xả thải trong giới hạn nào đó (về nồng độ chất độc hại) thì đóng phí, còn quá mức như Vedan sẽ bị xử phạt theo Luật Bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, không gây ô nhiễm thì không phải đóng phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh thừa nhận “thang bảng tính phí đến nay chưa có là do lỗi của chúng ta”.

Các đại biểu cũng tranh luận về phí và thuế bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chủ trì phiên thảo luận, đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát khoản thu nào không đúng bản chất là phí môi trường thì chuyển thành thuế.

 VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm