Thủ tướng sẽ trực tiếp giải trình

Sáng qua (19-5), nghị trường đã nóng lên bởi phiên thảo luận về đề án mở rộng Hà Nội. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ về chủ trương nhưng băn khoăn về thời điểm, lộ trình, giải pháp thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ĐBQH đã thảo luận rất sôi nổi và dân chủ, nhiều ý kiến có cơ sở. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cũng có những vấn đề đại biểu chưa nắm rõ thông tin. “Trước khi QH biểu quyết về vấn đề này (chiều 22-5), tôi sẽ có giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu còn băn khoăn” - Thủ tướng cam kết.

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan về vấn đề hệ trọng này, Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của đại biểu QH cũng như các thành viên Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:

Năm cơ sở để mở rộng Hà Nội

Quá trình xây dựng đề án này là một quá trình chuẩn bị khá dài của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học và có tham khảo ý kiến các chuyên gia quốc tế. Tôi xin nêu một số cơ sở khoa học mà các cơ quan chức năng đã lựa chọn và bản thân tôi cho rằng đây là những cơ sở xác đáng để chúng ta xác định quy mô của thủ đô Hà Nội.

Thứ nhất, đề án đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước với trên 100 triệu người và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu. Tầm nhìn lâu dài này đã xác định theo truyền thống, thủ đô là một thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính; gắn liền với nó là văn hóa, giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại.

Thứ hai, mở rộng thủ đô Hà Nội từ năm phương án chọn một phương án, trình ra QH quyết định là dựa vào quy hoạch vùng thủ đô. Khi nghiên cứu quy hoạch vùng, xem xét mối quan hệ giữa thủ đô với vùng và vùng với thủ đô, đặt ra đòi hỏi phải mở rộng địa giới hành chính thủ đô cho phù hợp với vùng, phù hợp với vai trò của thủ đô Hà Nội, với cả nước.

Thứ ba, chúng ta cần một thủ đô tương lai theo ý định thì thực tiễn hiện nay không đáp ứng được cả về kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp cũng như xây dựng, quốc phòng, an ninh, văn hóa và xã hội.

Thứ tư, quá trình nghiên cứu đã quan tâm tới ý tưởng của Bác về xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Thủ đô của chúng ta cũng phải là một thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn khi có điều kiện.

Thứ năm, theo tôi nghĩ, QH cần dựa vào đề án và tham mưu của các cơ quan chuyên môn. Tôi không loại trừ rằng trong toàn bộ quá trình chuẩn bị này cũng còn có những ý kiến khác nhau nhưng cần phải coi đó là những cơ sở quan trọng để chúng ta có thể quyết định.

Chính vì vậy, tôi đề nghị QH thông qua chủ trương về địa giới hành chính như phương án Chính phủ trình trong kỳ họp này. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho Chính phủ tổ chức thực hiện, tổ chức bộ máy, làm quy họach trình ra QH để xem xét, quyết định cụ thể hướng lâu dài trong tương lai, từ đó có kế hoạch xây dựng. Dừng lại thì sẽ rất phức tạp và công tác tư tưởng sẽ rất khó khăn, chưa nói là sự ngừng trệ về hoạt động của các tỉnh, TP liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội):

Càng chậm càng khó cho quy hoạch

Tôi nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Việc mở rộng Hà Nội đã được chuẩn bị nhiều năm nay, tuy nhiên thông tin của Chính phủ đối với người dân còn thiếu, tờ trình của Chính phủ trình bày còn sơ sài, thiếu tính thuyết phục, làm cho nhiều đại biểu băn khoăn.

Nếu nhất trí với chủ trương mở rộng Hà Nội thì cần thực hiện càng sớm càng tốt, bởi càng chậm càng khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch của Hà Nội sau này. Vì hiện nay Hà Tây cũng đang thực hiện quy hoạch của mình, chưa chắc đã phù hợp với quy hoạch của Hà Nội sau khi mở rộng.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):

Quốc hội biểu quyết phải chính xác

Thủ đô Washington của Mỹ với dân số đứng thứ ba thế giới chỉ có diện tích 158 km2. Nếu Hà Nội mở rộng như đề án có (3.344 km2) thì sẽ là thủ đô đứng thứ hai thế giới về diện tích, chỉ sau Tokyo, gấp ba lần New Dehli của Ấn Độ - là nước đông dân thứ hai thế giới, gấp bốn lần Bắc Kinh của Trung Quốc - là nước đông dân nhất thế giới.

Tôi đề nghị QH nên thảo luận thống nhất chủ trương về việc mở rộng Hà Nội để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu xem mở rộng đến đâu là hợp lý, trên cơ sở đó xây dựng những gì, ở chỗ nào, bao giờ làm phải có lộ trình trên một định hướng quy hoạch cụ thể. Tất cả những vấn đề đó cần phải công khai lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử, các nhà nghiên cứu trên tất cả lĩnh vực để khi QH biểu quyết phải chính xác, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân.

GS Nguyễn Lân Dũng (Dăk Lăk):

Phải lập hội đồng phản biện

Tôi cho rằng đề án phải trải qua một lộ trình chặt chẽ. Đầu tiên là giai đoạn nghiên cứu khả thi với sự tham gia của những cơ quan chuyên môn đủ mạnh và làm việc với sự chỉ đạo của một ủy ban quốc gia do Chính phủ chỉ định.

Bên cạnh đó phải có một hội đồng phản biện để làm bộc lộ hết tất cả vấn đề cần làm sáng tỏ, cần tháo gỡ trước khi quyết định. Trong giai đoạn thẩm định cần tổ chức một hội đồng cấp nhà nước với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Sau khi trải qua các bước này hãy trình lên Chính phủ và QH.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:

Quy trình làm đề án đúng luật

Việc xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Trong quy trình đó có vấn đề đặt ra là có phải công bố và triển lãm rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân hay không. Theo chúng tôi, cho đến nay chưa có quy định nào của pháp luật về việc công bố rộng rãi, lấy ý kiến nhân dân, trừ trường hợp chia, tách cấp xã, phường, thị trấn. Mặt khác, một số tỉnh chúng ta đã chia, tách cũng chưa có tiền lệ lấy ý kiến nhân dân của các xã.

Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp:

Xin lỗi các đại biểu vì để thiếu thông tin

Có đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền về chủ trương mở rộng thủ đô làm chưa tốt nên nhiều người thiếu thông tin, băn khoăn, lo ngại trước khi thể hiện trách nhiệm của mình. Thay mặt lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông, tôi thành thật nhận khuyết điểm, xin lỗi các đại biểu về thiếu sót này. Nhưng trên thực tế cũng có một điều xin các đại biểu QH soi xét là khi QH chưa bàn thì ngành thông tin truyền thông chưa dám đưa thông tin nhiều, sợ các đại biểu QH cho là “báo chí cầm đèn chạy trước ôtô”.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Nhận khuyết điểm vì tờ trình quá ngắn gọn

Do tờ trình đề cập đến nội dung còn quá ngắn gọn, chưa rõ ràng nên đã tạo ra sự hiểu lầm. Ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ, khắc phục độ lõm...Với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận khuyết điểm về việc đã không kiểm soát kỹ để có những sai sót như trên. Kính mong QH chấp thuận. Tuy nhiên, những chi tiết thiếu sót trên không làm thay đổi nội dung của tờ trình, việc mở rộng địa giới là rất cần thiết.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm