“Thủ tục không phải trên trời rơi xuống mà nằm ngay trong văn bản. Phải rà soát xem cái gì phù hợp, không phù hợp, thuộc thẩm quyền ai thì sửa theo hướng tạo thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, thông thoáng nhất cho dân và doanh nghiệp (DN), chúng ta phải nhận phần khó về mình”. Thủ tướng đã yêu cầu như thế với các bộ ngành, địa phương tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức vào sáng 26-3.
Còn đặt ra những đòi hỏi vô lý
Bên cạnh việc nhìn nhận những kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng cũng cho rằng có nhiều quy định không cần thiết vẫn tồn tại, nhiều quy định không còn phù hợp chưa được sửa, nhiều quy định gây phiền hà, tốn kém cho người dân và DN chậm giải quyết. “Có khi không phải do quy định, do thủ tục mà do phẩm chất, do trách nhiệm, cái tận tình phục vụ của cán bộ. Hôm nay người dân đến gặp nói cho thêm chữ này, ngày mai đến gặp đòi thêm dấu phết kia, rồi đặt ra những đòi hỏi vô lý” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy chưa rõ ràng, còn trùng lắp, không rõ trách nhiệm giữa “con gà - quả trứng” làm khổ sở người dân, DN. “Tôi, người đứng đầu Chính phủ, hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến về đổi mới cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức. Ảnh: TTXVN
Bệnh “cái gì cũng làm chiến lược, quy hoạch, đề án”
Nhìn nhận thực tế đã có cải cách nhưng Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều chuyện nghe còn rất nặng nề. Điển hình như việc Thủ tướng yêu cầu chuyển văn phòng đăng ký đất đai ở các quận/huyện thành chi nhánh của Sở TN&MT, giảm tầng nấc, tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN nhưng yêu cầu mãi mà nhiều địa phương vẫn không chịu làm vì phải chờ xây dựng đề án.
“Chuyển cái này hết sức đơn giản vì chúng ta vẫn giữ nguyên trạng, không tăng biên chế. Chỉ có thế thôi mà cũng phải đề án. Chúng ta đang mắc cái bệnh cái gì cũng phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án. Các đồng chí ở tỉnh ở đây có nhớ địa phương mình có bao nhiêu quy hoạch, chiến lược không? Quá trời luôn, làm sao mà nhớ hết được” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết có những chiến lược, quy hoạch, chính mình đọc còn không hiểu. Trong khi việc xây dựng các quy hoạch, đề án mất rất nhiều tiền, nhiều thời gian. “Cải cách là phục vụ cho dân nên việc triển khai công việc phải nhanh, cấp thiết” - Thủ tướng yêu cầu.
Chuyển biến phải rõ rệt, không chung chung
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đưa công nghệ thông tin vào nền hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính phủ điện tử. “Làm sao khi cấp phép, nộp thuế,… người dân đừng lên cơ quan nhà nước nữa, đừng gặp cán bộ nữa mà thực hiện qua mạng hết”.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý trong quá trình cải cách thể chế tập trung vào cơ chế chính sách, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Cái gì chưa thị trường phải hoàn thiện, phải sửa. Thời buổi này làm gì có ngăn sông cấm chợ, làm gì có chuyện cấm cái này, cái kia ra khỏi tỉnh” - Thủ tướng nói và cho rằng việc một số tỉnh thời gian qua đưa ra một số quy định “ngăn sông cấm chợ” cần phải rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng lại tiêu chuẩn mới để đánh giá mức độ hoàn thành cán bộ, công chức chứ những con số 0,5% cán bộ, công chức ở địa phương và 0,6% cán bộ, công chức ở bộ ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ khiến xã hội không đồng tình. “Tiêu chí của mình còn trừu tượng, chung chung quá làm sao có thước đo cụ thể” - Thủ tướng nhìn nhận.
“Từng bộ ngành, địa phương làm sao để CCHC năm nay có chuyển biến rõ rệt mà cả xã hội công nhận có bước tiến, đo được, đếm được, có số liệu cụ thể chứ không thể nói CCHC có tiến bộ một bước. Không nên nhận định theo kiểu đó nữa mà phải cho biết một bước đó là bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, việc gì. Tôi đọc báo cáo thấy một bước này quá nhiều” - Thủ tướng nói.
Sáu bộ, ngành và 36 địa phương đã thi tuyển các chức danh lãnh đạo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đến nay đã có sáu bộ/ngành, 36 tỉnh/thành thực hiện việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý. “Việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng bước đầu tạo môi trường cạnh tranh, thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham dự vào quá trình tuyển chọn được dư luận ủng hộ” - ông Tuấn đánh giá và cho biết hiện Bộ Nội vụ đang hoàn thiện đề án đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và đã được Chính phủ đồng ý trình Ban Bí thư xem xét, quyết định. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ đã tổ chức thành công năm kỳ thi và đã bổ nhiệm năm lãnh đạo cấp trưởng tại năm cơ quan trực thuộc Bộ. Đó là tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vụ trưởng Vụ Vận tải, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, vụ trưởng Vụ Quản lý DN và tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Thời gian tới, Bộ tiếp tục thi tuyển các chức danh lãnh đạo tại Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục Đường sắt Việt Nam… Đại diện TP Đà Nẵng cũng cho biết đến nay Đà Nẵng đã có 415 ứng viên dự thi và 131 ứng viên trúng tuyển, trong đó có một ứng viên trúng tuyển cấp trưởng và 16 cấp phó phòng ở cơ quan hành chính. Ngoài ra còn có 31 vị trí cấp trưởng và 83 vị trí cấp phó ở đơn vị sự nghiệp. Bình quân có ba ứng viên cho một vị trí. __________________________________ Thời gian qua công tác cải cách TTHC có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC. Hiện tượng yêu cầu thêm các giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định vẫn còn phát sinh. Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN Thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Đồng thời thiết lập môi trường bình đẳng cho người dân và DN hoạt động. Thứ trưởng Bộ Tư pháp ĐINH TRUNG TỤNG |
Thanh Phong
Hai lúa
Jade Tran
Ba Phi
Thanh
_ Tăng quyền cho Thủ tướng bao gồm cả quyền bổ nhiệm và sa thải. Tướng ra trận mà không có quyền chọn phó cũng như sa thải khi phó không phù hợp chiến lược của mình thì còn làm gì được.
_ Hình sự hóa trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc thực thi các quy định trong thủ tục hành chính. Hiện các luật hiện tại có quy định trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng chỉ quy định dạng cho có vì thiếu hình thức chế tài. Bản thân luật phải có chế tài mạnh mới có sức răn đe và bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu Chính phủ xứ lý cán bộ vi phạm mạnh như áp dụng với dân thì tốt biết mấy.
Trần Ngọc Khương
Trần Khắc Phấn
Tin Tin
HủyTrả lời bình luận