Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải đổi mới đồng bộ cả kinh tế, chính trị

Ngày 7-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị toàn quốc ngành KH&ĐT tại TP Đà Nẵng.

Tạo động lực mạnh mẽ nhất để phát triển

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết Bộ đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020. “Cùng với Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một bước tiến mới để đưa công tác đầu tư phát triển và đi vào nề nếp, quy củ hơn” - Bộ trưởng Vinh nói.

Trên cơ sở đó, ông Vinh cho hay sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư trong thời gian tới. “Trước đây chúng ta làm kế hoạch theo từng năm nhưng nay sẽ là năm năm và gắn chặt với thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ ngay trước thềm hội nghị này đã ban hành hai chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020” - ông Vinh nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc chuẩn bị Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 là rất cần thiết và chủ động. Nếu bây giờ không chuẩn bị sẽ không kịp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: LÊ PHI

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng kế hoạch năm năm lần này cần phải đánh giá thẳng thắn, khách quan và toàn diện những kết quả đạt được trong năm năm 2011-2015. “Các thành tựu thì chúng ta không được tô hồng nhưng phải đánh giá cho đúng để tự hào, tự tin. Cái gì hạn chế, yếu kém cũng phải chỉ rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành phải nâng cao chất lượng dự báo để chủ động tính toán kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở căn cứ vào quan điểm nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2011-2020) và các nghị quyết của trung ương. “Phải đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế, chính trị để tạo động lực mạnh mẽ nhất, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước để phát triển đất nước. Phải phát triển bền vững, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô” - Thủ tướng nói.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cái quan trọng nhất của kế hoạch trung hạn là các tỉnh, bộ/ngành biết được số vốn của mình sẽ có bao nhiêu. Trên cơ sở đó lựa chọn ưu tiên theo kế hoạch, thứ tự, chủ động đầu tư. “Có kế hoạch trung hạn này, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan và cơ chế xin-cho” - Thủ tướng nói.

Để thực hiện được điều này, Thủ tướng yêu cầu các nơi phải tính cho được nguồn vốn. “Nếu không tính được 100% thì phải được 95%-99% thì chúng ta mới tính được kế hoạch trung hạn. Nếu không tính được thì sẽ không làm được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, trước hết là phải tính cho được ba nguồn gồm ngân sách, trái phiếu, vốn vay viện trợ và vay ưu đãi. Phải xem công trình nào quan trọng, thiết yếu để lựa chọn. “Ngân sách không đủ thì chúng ta phải lựa cái then chốt để làm. Bênh cạnh đó phải chủ động thu hút nguồn vốn, huy động tổng lực xã hội. Vì chỉ dùng nguồn ngân sách, trái phiếu, vay ưu đãi thì chúng ta sẽ không làm được” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương phải làm đầu tư theo kế hoạch trung hạn theo ngân sách địa phương mình chứ không phải chỉ trung ương, bộ/ngành mới làm. “Việc phát hành trái phiếu thì phải căn cứ với nợ công quốc gia. Các địa phương phải tính toán để phát hành cho hợp lý nhưng phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Ngay cả vốn ODA cũng phải tính kế hoạch năm năm trung hạn” - Thủ tướng lưu ý.

Ngay cả các chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu cũng phải tính theo kế hoạch trung hạn. “Trước đây chúng ta có 16 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Bây giờ chỉ giữ lại hai chương trình là giảm nghèo bền vững và nông thôn mới thôi. Chương trình mục tiêu quốc gia gọn lại, các chương trình mục tiêu khác cũng phải giao chỉ tiêu. Tất cả phải tính trung hạn” - Thủ tướng nói.

LÊ PHI

Không để địa phương tự tính GDP

 Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay bắt đầu từ năm 2015 Tổng cục Thống kê sẽ là đơn vị tính GDP cho các địa phương chứ không để các địa phương tự tính như trước đây. Bởi để các địa phương tự tính như trước đây là chưa chính xác và bất hợp lý. “Các địa phương đều công bố GDP của mình từ 10% đến 14% nhưng đến khi cộng các địa phương lại để tính GDP cho cả nước thì chỉ có 5%/năm. Cách tính như hiện nay là không ổn” - Bộ trưởng Vinh nói.

Tăng 100.000 đồng tiền lương thì ngân sách phải chi 40.000 tỉ đồng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho hay hiện cơ cấu thu ngân sách đang dịch chuyển sang thu nội địa. Năm 2010 thu nội địa chỉ đạt 60% nhưng đến năm 2014 là 68% và năm 2015 dự kiến tăng lên 70%. “Hiện Bộ Tài chính và các bộ/ngành liên quan đang tích cực xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tạo áp lực rất lớn cho thu chi ngân sách. Vì chỉ cần tăng 100.000 đồng tiền lương thôi thì ngân sách nhà nước phải chi tới 40.000 tỉ đồng” - Thứ trưởng Nghiệp thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm