Thủ tướng: ‘Cứ sợ, né trách nhiệm thì sao phát triển’

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa nghiêm

Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sáu tháng đầu năm, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng việc thực hiện quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu...

Cạnh đó, công tác quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế nhưng chậm được khắc phục như công tác lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư…

Theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. “Nhiều nơi thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đến khi được kiểm tra, đôn đốc mới tập trung thực hiện. Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đang xuất hiện một sức ỳ ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh”. Ảnh: VGP

Đang xuất hiện sức ỳ ngày càng lớn

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu bốn nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của đất nước.

Cụ thể, chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN trong nhiều năm qua. Cụ thể là kỷ cương, phép nước không thực hiện nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra ở Việt Nam trầm trọng, kéo dài và cuối cùng, bệnh quan liêu, xa dân trong nhiều vấn đề, nhiều chủ trương, nhiều chính sách nên việc huy động sức dân phát triển đất nước còn hạn chế.

“Các ngành chính sách phải suy nghĩ để khắc phục các nguyên nhân này, để nước ta phát triển tốt hơn, nhanh hơn” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng sau đó cũng phê bình việc “cán bộ mà cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng”, quan niệm “cái gì cũng phải gặp tôi”...

“Đang xuất hiện một sức ỳ ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh” - Thủ tướng cảnh báo và cho rằng không thể để tình trạng “không làm cũng không sao”, “làm không tốt cũng không sao”.

“Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, trong bộ máy hiện có một bộ phận cán bộ “có cũng được, không có cũng được”. “Số cán bộ này chiếm bao nhiêu phần trăm trong từng cơ quan? Đây là câu hỏi mà các bộ trưởng, các bí thư, các chủ tịch tỉnh phải tự hỏi về sự thờ ơ của những cán bộ, đảng viên đối với sự phát triển của đất nước” - Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến, sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Nhắc về một số vụ việc gần đây xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm này chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn. “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển được? Trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi” - Thủ tướng nói.

TP.HCM tiếp tục dẫn đầu

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương sáng 2-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay sáu tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa GDP trên địa bàn đạt trên 585.000 tỉ đồng (tăng 7,66%). Các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp đều đạt được kết quả tăng trưởng tích cực.

Để tạo điều kiện cho TP thực hiện tốt nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, TP.HCM có hai kiến nghị đáng chú ý. Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho TP thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Thứ hai, về nhu cầu vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2018. Theo chủ tịch UBND TP.HCM, đến cuối năm 2017, TP báo cáo nhu cầu vốn ODA của TP là hơn 9.000 tỉ đồng, tuy nhiên kế hoạch trung ương giao chỉ là gần 2.900 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 30%.

“Kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bố trí tạm ứng vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP, đồng thời cho phép thành phố giải ngân kế hoạch vốn ODA hằng năm theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư công” - ông Phong nói...

Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét TP.HCM vẫn là thành phố năng động, tiếp tục dẫn đầu trong kinh tế-xã hội, đặc biệt là thu ngân sách. “Tuy gặp nhiều trở ngại nhưng các đồng chí bảo đảm tốt các chỉ tiêu, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp vừa qua để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội” - Thủ tướng nói.

Về các kiến nghị của TP, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ thúc đẩy phần trách nhiệm về thủ tục ở trung ương cũng như nguồn lực để bảo đảm thực hiện những công trình trọng điểm dở dang. 

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới nằm núp bóng ở thể chế, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm