Thủ tục và biên chế

Dĩ nhiên, bên cạnh sự chung tay của xã hội (như các luật sư, hiệp hội doanh nghiệp và chính người dân), có một lý do quan trọng khiến cho Đề án 30 và cơ quan kiểm soát thủ tục có thể hoạt động hiệu quả là do đã được chỉ đạo trực tiếp bởi chính Thủ tướng và bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Đúng như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu, việc kiểm soát TTHC (tức kiểm soát một thứ “đặc quyền, đặc lợi” của bộ máy) phải là một quá trình liên tục bởi nếu không, thủ tục lại đẻ ra thủ tục. Chính vì là đặc quyền, đặc lợi của một số bộ ngành nên “hôm nay cắt giảm các giấy phép cấp bộ thì ngày mai lại sinh ra thêm giấy phép cấp phường”- Phó Thủ tướng lưu ý. Cho nên có được một đầu mối với quyết tâm cao như sự ra đời của Cục Kiểm soát TTHC là một sáng kiến tốt, kinh nghiệm hay trong“cuộc đấu tranh mang tính cách mạng chống lại các lực cản” (lời Phó Thủ tướng).

Từ kinh nghiệm này nhiều người dân chợt nhớ đến một vấn đề hóc búa từng được Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nội vụ hồi tháng 11 năm ngoái. Đó là chuyện do thiếu đầu mối “quản” nên thời gian qua tổng biên chế Nhà nước đã tăng trên 25% (52.221 người). Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã nêu tới 14 lý do để giải thích về chuyện này, song ai cũng biết với số lượng “công bộc” lớn như thế thì lương bổng, xe cộ, nhà cửa, trang thiết bị... phục vụ họ phình to cỡ nào. Chính vì số lượng quá đông nên mới dự kiến chi cải cách tiền lương vào 1-5 tới với mức tăng nhỏ nhoi so với lạm phát (từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; thực hiện phụ cấp công vụ 10%), ngân sách đã phải oằn lưng gánh thêm 27.000 tỉ đồng!

Cho nên nếu có chuyện “thủ tục lại đẻ ra thủ tục” thì cũng không có gì lạ!

Đáng nói ở chỗ, TTHC và biên chế Nhà nước là hai mặt của một vấn đề. Song thẩm quyền Chính phủ chỉ có thể lập đầu mối kiểm soát TTHC, còn biên chế thì... không! Lý do là vì ngoài bộ máy hành pháp từ trung ương đến cơ sở thì hệ thống các đoàn thể chính trị, hệ thống dân cử hiện cũng được cấp biên chế, nhận lương ngân sách. Điều này khiến cho đại biểu Quốc hội từng đặt câu hỏi: Ai là “nhạc trưởng” quản biên chế? Chính vì câu hỏi chưa có lời đáp nên tổng biên chế không ngừng tăng, dẫn đến việc tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc rất khó khăn.

Khó khăn thì dễ dẫn đến chuyện “thủ tục lại đẻ ra thủ tục”... và người dân lại mong chờ một “Đề án 30” mới!

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm