Thủ đô Hà Nội: Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình

"Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông"

Mỗi nhân chứng từng sống, chiến đấu và hy sinh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như một lát cắt lịch sử. Hãy cùng soi vào họ để trở lại những ngày tháng hào hùng khi Hà Nội cùng miền Bắc hợp thành hậu phương lớn làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt.

Thủ đô Hà Nội: Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình ảnh 1

Thanh niên Thủ đô Hà Nội vui mừng khi nhận được giấy trúng tuyển quân sự (Hà Nội, 7-1971). Ảnh: Tư liệu

Tròn trách nhiệm hậu phương

Giống như hàng triệu người phụ nữ Việt Nam khác trong thời chiến, bác sĩ Thái Thị Lan Thư (nguyên Chủ nhiệm Khoa Nhi - Bệnh viện Việt - Đức) đã dành trọn tâm sức hoàn thành nhiệm vụ nơi hậu phương để tiền tuyến yên tâm chiến đấu. Làm nhiệm vụ điều trị, bà đã trải qua không biết bao nhiêu lần mổ cho thương binh dưới ánh đèn pin trong lúc máy bay giặc Mỹ quần đảo, đánh phá trên bầu trời. "Gian khổ, khó khăn không thể tưởng tượng nổi, nhưng chúng tôi ai cũng cố gắng, lạc quan, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ" - bà nói.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, hàng chục phong trào thi đua nở rộ khắp miền Bắc như "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Cờ Ba Nhất" trong lực lượng vũ trang, "Hai tốt" trong trường học, "Thầy thuốc như mẹ hiền" trong ngành y tế, "Ba cải tiến" trong các cơ quan, ""Ba đảm đang"" trong phụ nữ, "Ba sẵn sàng" trong thanh niên… Tất cả là để làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, sẵn sàng chi viện với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong số đó, "Ba đảm đang" là phong trào nổi bật. Với hàng vạn phụ nữ như bác sĩ Lan, Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong phong trào này.

Là một trong bảy tấm gương phụ nữ "Ba đảm đang" đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu, bà Nguyễn Thị Minh Phượng (nguyên giáo viên Trường Chu Văn An - Hà Nội) chia sẻ: "Khí thế thi đua rộn ràng khắp nơi nơi. Từ nhà máy tới đồng ruộng, phụ nữ mỗi người phấn đấu làm việc bằng hai". Chị em không ai bảo ai đều mang trong mình khí thế "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", "Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy"… Trên quê hương phong trào "Ba đảm đang" huyện Đan Phượng (Hà Nội), chủ tịch xã, đội khoa học kỹ thuật đều là phụ nữ. Phụ nữ tay cày, tay súng, chẳng quản ngại ngày đêm, thi đua tăng năng suất, thu hoạch kịp thời. Ở xã Song Phượng (Đan Phượng) những ngày đó, phong trào thi đua rộn ràng như hội, năng suất lúa tăng lên đến 7 tấn/ha, cao nhất thời bấy giờ…

Dù mang trong lòng biết bao nỗi lo cho chồng, con nơi "hòn tên, mũi đạn", nhưng phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà của phụ nữ chưa bao giờ lại mạnh như thế. Không chỉ chăm lo tốt công việc ruộng đồng, nhà máy, trường học, bệnh xá… những người mẹ, người vợ còn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ cháu, con. Tiêu biểu trong số ấy, bà Lê Thị Bích Hoàn, vợ bác sĩ quân y Vũ Trọng Kính, đã một mình nuôi dậy hai con từ khi còn đỏ hỏn, lo toan mọi việc chu toàn trong gia đình. Công sức đó, chẳng gì ghi nhận bằng lời khen của gia đình nhà chồng: "Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam/Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân" (thay chồng hiếu nghĩa với cha mẹ và thay chồng làm cha của các con).

Nhờ có những người mẹ, người vợ như thế, Hà Nội và miền Bắc không chỉ bảo đảm vững vàng cả tinh thần lẫn thành tích chiến đấu nơi hậu phương, mà còn đóng góp 25% lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam chiến đấu và chiến thắng.

Thủ đô Hà Nội: Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình ảnh 2

Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Thủ đô Hà Nội “tay búa tay súng” lên đường phục vụ chiến trường năm 1967. Ảnh: Tư Liệu

Vẹn nghĩa tình tiền tuyến

Đại thắng mùa Xuân 35 năm về trước có được là nhờ sự chi viện sức người, sức của to lớn từ miền Bắc. Trong đó, 50 vạn bộ đội từ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã lên đường vào Nam chiến đấu.

Những năm 1965, 1966, hàng chục vạn thanh niên Hà Nội đã có mặt trên dãy Trường Sơn tham gia mở đường, tải đạn, chuyển gạo, chuyển quân vào mặt trận. Tuổi thanh xuân phơi phới của những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã dành hết cho những cung đường, những chuyến xe ngày đêm rầm rập tiến vào Nam. Một trong những người con Hà Nội đi đầu trên mặt trận ấy là bà Trần Thị Thành, cựu thanh niên xung phong đường Trường Sơn. Khi chúng tôi hỏi, ngày đó, những thanh niên Hà Nội nghĩ gì trước lúc lên đường, bà Thành chỉ đáp ngắn gọn một lời chắc nịch: "Chúng tôi, ai ai cũng muốn cống hiến, muốn làm một cái gì đó đóng góp cho hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc".

Đầu những năm 1960 đó, Hà Nội còn động viên hàng vạn đoàn viên, thanh niên, trong đó có nhiều trí thức đã vượt Trường Sơn vào Nam gây dựng và củng cố cơ sở cách mạng. Trong số những người Hà Nội ra đi ngày đó, có chị Đặng Thùy Trâm, người con gái đã để lại những trang nhật ký khiến bao con tim rung động. Đến đầu những năm 1970, nhằm tạo chuyển biến có tính quyết định trên chiến trường miền Nam, Hà Nội lại dâng hiến cho cuộc kháng chiến một lớp quân nhân ưu tú. Họ là hàng vạn sinh viên từ các trường đại học đã xếp bút nghiên, cầm súng ra trận. Cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, người ra đi trong những năm đó đã vẽ một bức tranh bi tráng về những người con Thủ đô nơi tiền tuyến: "Đơn vị của con toàn sinh viên và cán bộ giảng dạy. Cả một sư đoàn sinh viên, Trường Đại học Tổng hợp đi hơn 300 người".

Dành cho miền Nam hàng vạn trí thức, Hà Nội cũng đón và đào tạo cho miền Nam những "hạt giống đỏ". 30 vạn sinh viên, học sinh là con em miền Nam đã được đào tạo thành các cán bộ chính trị, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ… để trở về miền Nam tiếp tục góp sức vào cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, giành hòa bình, thống nhất.

Không những dành cho tiền tuyến những người lính ưu tú với phương châm "quân không thiếu một người", Hà Nội còn vững vàng trong chiến đấu và chiến thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán. Rực rỡ nhất là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Năm 1967, Bác Hồ đã nhận định: "Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Và những chàng trai, cô gái mắt sắc, dạ kiên trung từ phi công, đến xạ thủ đã làm được điều mà Bác Hồ chỉ huấn: Đánh cho Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội.

Có một điều không thể không nhắc tới về vai trò hậu phương của Hà Nội là Thủ đô vững vàng từ sản xuất đến chiến đấu chính là nơi bao bọc an toàn cho "bộ não" của cuộc kháng chiến. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn từ trung ương tại Thủ đô Hà Nội là mấu chốt đem lại thắng lợi cuối cùng 35 năm về trước.

Theo Võ Lâm (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm