Thiếu đạo đức công vụ khó cải cách hành chính

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương, áp dụng công nghệ thông tin… sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Đó là một số nội dung được các bộ, ngành và địa phương góp ý tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 18-7.

Không ai muốn làm cán bộ cải cách

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cải cách thủ tục hành chính là một nhiệm vụ khó, va chạm nhiều nên phải có sự chỉ đạo sát sao của thủ trưởng các cấp mới phát huy được tính hiệu quả. Song song đó, giữa các bộ, ngành địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn trong khi thực hiện.

Đồng quan điểm, đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng thủ trưởng phải tham gia tích cực, phải có một người giữ đầu mối quản lý đủ mạnh mẽ để đốc thúc công việc, dám làm thì mới giải quyết được nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, việc lựa chọn cán bộ, công chức có tâm huyết với công tác cải cách thủ tục hành chính là một việc rất quan trọng. Tuy nhiên, một trong những công việc thủ tục hành chính là kiểm soát thủ tục hành chính thì đòi hỏi cán bộ, công chức phải tâm huyết nhưng việc bố trí cán bộ rất khó khăn vì không ai muốn về.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng cho rằng thủ tục hành chính phải gắn với việc áp dụng công nghệ thông tin, dần dần xây dựng chính phủ điện tử. Cùng với đó, một số thủ tục hành chính có liên quan giữa nhiều bộ, ngành thì cần có một đầu mối trong việc giải quyết để rút ngắn thời gian của người dân và doanh nghiệp.

Thiếu đạo đức công vụ khó cải cách hành chính ảnh 1

Một trong những yếu tố quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính là yếu tố con người. Trong ảnh: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ của người dân tại một phường ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: N.NAM

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kiểm soát thủ tục hành chính không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ thủ tục hành chính một cách hình thức mà phải đi đôi với thay đổi về mặt nội dung của thủ tục như cơ chế, chính sách. Ông Phúc đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương phải xem công tác rà soát, đơn giản thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia, góp ý, hiến kế về cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cán bộ phải trả lời, hướng dẫn họ tham gia để thực hiện giai đoạn ba về đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả.

Có cơ chế giám sát đạo đức công vụ

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho rằng thủ tục hành chính nếu được công khai minh bạch sẽ kiểm soát được năng lực cán bộ, thái độ làm việc của cán bộ. Nhưng chỉ cải cách thủ tục hành chính thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác để giúp cho việc cải cách thủ tục hành chính đạt yêu cầu. Hiện nay, giữa các luật hoặc ngay trong việc triển khai luật với các văn bản dưới luật với nhau vẫn có những độ chênh nhất định. Chính độ chênh này sẽ dẫn tới sự tùy tiện, thậm chí là tiêu cực. Trong khi đó, hầu hết các thủ tục hành chính hiện vẫn đang lệ thuộc vào nội dung các luật. Nếu luật và nghị định không đồng bộ thì sẽ dẫn tới: nếu sáng tạo để thực thi thì sợ trách nhiệm hoặc sẽ lúng túng không triển khai thực hiện được.

Ngoài ra, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn cần phải có sự đồng bộ giữa cấp trên và cấp dưới. Cải cách về quy trình thủ tục của nội bộ cơ quan nhà nước các cấp cũng cần được chú ý.

“Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính còn là vấn đề đạo đức công vụ. Thủ tục có cải cách cách mấy nhưng cái tâm, trách nhiệm, thái độ của người cán bộ, công chức không tới thì chắc rằng sẽ không đạt được kết quả như ta mong muốn. Đạo đức công vụ bao gồm cả tác phong, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực chuyên môn để đáp ứng công việc. Để có được điều này, ngoài những quy định trong phần thực thi trách nhiệm của cán bộ, công chức thì cần có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng như HĐND, MTTQ, thậm chí của người dân và doanh nghiệp. Cơ chế này sẽ giúp cho cán bộ, công chức, ngoại trừ sự tự giác, trách nhiệm của mình ra thì còn có trách nhiệm phải thi hành, thực thi nhiệm vụ của mình đối với người dân và doanh nghiệp” - ông Trí góp ý.

THÙY DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm