ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TP.HCM LẦN VI

Thi đua hướng vào thực chất, tạo sức lan tỏa

“Không thể phủ nhận những kết quả đóng góp của phong trào thi đua yêu nước trong năm năm qua đã tạo động lực giúp TP.HCM đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội.. Nhưng cũng phải thấy rằng có nhiều người làm tốt, xã hội biết hết mà “không ai” nhớ đề xuất khen thưởng, trong khi đó lãnh đạo làm tốt là khen thưởng không sót lọt. Vì thế phải làm sao để khen đúng, kịp thời và thúc đẩy các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng, đi vào thực chất hơn nữa”. Ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng ban Thi đua - khen thưởng TP.HCM, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCMnhư thế.

Phải duy trì hiệu quả lâu dài

. Phóng viên: Vậy những giải pháp nào giúp phong trào thi đua có thực chất, hiệu quả bền vững, thưa ông?

+ Ông Đỗ Văn Đạo (ảnh): Trước hết, phong trào thi đua phát động phải bám sát thực tiễn, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị thì mới thực sự thu hút được đông đảo người tham gia góp sức. Kinh nghiệm từ các phong trào thi đua thành công cho thấy phần lớn đều bắt nguồn từ thực tế cách làm hay của những gương điển hình được nhân rộng lên phong trào, huy động sức dân, chăm lo cho dân. Phong trào thi đua không phải do lãnh đạo nghĩ ra, áp xuống mà chính quyền, đoàn thể có vai trò tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất để mọi người tiếp cận, tham gia, làm sao để chính người tham gia phong trào nhận ra và thụ hưởng thành quả phong trào ấy. Những phong trào tiếp sức mùa thi, thanh niên tình nguyện… ban đầu cũng từ tấm lòng hào sảng của một số bà con giúp đỡ học sinh, người nghèo. Khi những điển hình được tuyên dương, nhân rộng, phát động thành phong trào thì bà con tham gia ủng hộ rất lớn...

Điều lưu ý là sau giai đoạn phát động phong trào phải tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, khen thưởng kịp thời và có chính sách phù hợp để duy trì hiệu quả. Chẳng hạn như phát động phong trào xây dựng khu phố văn hóa rồi thì phải kiểm tra, phạt gắt những trường hợp xả rác ra nơi công cộng, bạo lực gia đình, gây mất trật tự… Có thế mới duy trì hiệu quả lâu dài.

. Có dư luận cho rằng phong trào thi đua, khen thưởng mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, ông nghĩ thế nào?

+ Phải nhìn nhận là phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu nên chưa thể lan tỏa sâu rộng, thu hút nhiều người tham gia. Việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến cũng còn hình thức, thiếu thuyết phục; chưa biểu dương, khen thưởng kịp thời, sát, đúng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nên chưa khuyến khích, tạo động lực phát triển để phong trào vững mạnh.

Các phong trào làm vệ sinh khu phố, đường phố cần có những giải pháp đồng bộ để được duy trì lâu dài. Ảnh: HTD

Chưa kể còn có tình trạng phát động phong trào thì làm rất tốt nhưng hết đợt phong trào thì trở về như cũ nên cũng nhiều điều tiếng là làm phong trào hình thức để khen thưởng chứ không phải thực chất, hiệu quả. Chẳng hạn, phát động phong trào xây dựng khu phố văn hóa, vệ sinh kênh rạch. Lúc đó thì đoàn viên đi vớt dẹp rác, kêu gọi bà con làm vệ sinh khu phố sạch đẹp nhưng được năm bữa nửa tháng thì ôi thôi lại xả rác bừa bãi. Vậy đánh giá phong trào thế nào đây? Có làm thật đó nhưng thiếu các giải pháp đồng bộ đi kèm nên không duy trì được hiệu quả. Bà con chê khu phố văn hóa dơ bẩn, phong trào hình thức cũng không sai, phải chịu nhìn nhận cái dở trong cách làm của mình thì mới khắc phục để làm cho phong trào thi đua tạo được hiệu quả bền vững.

Khen thưởng dân cần kịp thời hơn

. Thưa ông, cũng có dư luận than phiền rằng “khen quan nhiều, dân ít” việc này có khắc phục thế nào?

+ Do cơ chế khen thưởng “xin-cho”. Có người, có nơi làm tốt nhưng không làm hồ sơ đề xuất nên không được khen thưởng. Điều này dẫn đến thực tế là người được khen chưa chắc đã giỏi hơn người không được khen, vậy là khen thưởng chưa thuyết phục, không đạt mục tiêu cổ vũ và thúc đẩy thi đua.

Chuyện “khen quan nhiều, dân ít” đã được rút kinh nghiệm và nhắc nhở nhiều trong đề xuất, xét duyệt khen thưởng và siết rất chặt trong những năm gần đây. Chú trọng khen thưởng thành tích sản xuất, sáng tạo; khen thưởng trực tiếp cho công nhân, nông dân, người lao động, công chức, viên chức và người dân. Chẳng hạn trường hợp các điểm cơm từ thiện, quán cơm 2.000 đồng… họ làm cũng nhiều năm rồi, ai cũng biết, lẽ ra phải khen từ lâu rồi chứ không phải đến giờ mới khen thưởng. Hỏi địa phương, chính quyền cấp cơ sở biết hết nhưng lại chưa đề xuất khen mà phải đợi Ban Thi đua - khen thưởng gợi ý nhắc thì mới làm.

Phải nhìn nhận còn có những thiếu sót, chậm trễ trong khen thưởng đóng góp của người dân. Chủ trương là khen thưởng trực tiếp thành tích sản xuất, sáng tạo, điển hình tiên tiến của người dân phải đạt trên 50% nhưng đúng là có những nơi chưa đạt yêu cầu.

. Xin cám ơn ông.

Sáng nay (4-7), Đại hội Thi đua yêu nước TP.HCM lần VI tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm năm (2011-2015) và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020.

Từ các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, TP đã tặng 1.998 cờ thi đua xuất sắc; 69.543 tập thể và cá nhân nhận bằng khen UBND TP; công nhận 19.354 chiến sĩ thi đua cấp TP và nhiều hình thức tuyên dương, khen thưởng khác cho các tập thể và cá nhân kể cả người nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP.

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã phong tặng danh hiệu anh hùng lao động cho bốn tập thể và ba cá nhân; truy tặng và phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho 42 tập thể và cá nhân; ba huân chương Hữu nghị; 34 huân chương Độc lập các hạng; 1.690 huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 5.403 bằng khen của Thủ tướng; 96 cờ thi đua Chính phủ, công nhận 31 chiến sĩ thi đua toàn quốc. TP cũng tích cực rà soát và đề nghị Nhà nước tặng thưởng 146 huân, huy chương Kháng chiến các loại; phong tặng và truy tặng 2.052 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm