Thí điểm chính quyền đô thị: Giảm chi phí, tăng hài lòng

“Mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) TP.HCM là nhằm khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân; để chính quyền gần dân, sát dân hơn; phục vụ tốt hơn về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền để huy động tối ưu nguồn lực cho sự phát triển bền vững; thúc đẩy TP.HCM thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh tại Hội nghị góp ý Đề án thí điểm xây dựng CQĐT tại TP.HCM do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 15-8.

Theo ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho rằng: “Cả lý luận lẫn thực tiễn đều cho thấy TP.HCM cần có một mô hình quản lý đô thị phù hợp hơn; có những thay đổi mạnh mẽ, mang tính toàn diện, sâu sắc về bộ máy, cơ chế hoạt động để có thể đưa TP phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và đóng góp tích cực nhất cho sự phát triển của quốc gia”.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng lưu ý, một khi đã đổi mới về mô hình tổ chức chính quyền, cơ chế vận hành thì hạt nhân của chính quyền là con người của bộ máy ấy cũng cần phải thật sự đổi về chất. “Dù mô hình có đẹp đẽ đến đâu, hay ho thế nào nhưng chúng ta vẫn dùng những con người vô cảm, tham nhũng thì khó có thể thành công. Thành ủy TP.HCM cần đào luyện để có những cán bộ, đảng viên là viên ngọc sáng, tạo thành chuỗi ngọc để quản lý bộ máy chính quyền mới. Có như thế thì mới mong CQĐT thành công” - ông Khoa nói. Một số ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất phải có một đề án riêng về vấn đề nhân sự của CQĐT.

Với việc tổ chức TP.HCM thành chính quyền hai cấp (gồm cấp TP.HCM và cấp cơ sở), các đại biểu mong rằng việc quản lý đô thị trong tương lai sẽ không bị cắt khúc và không có chuyện trách nhiệm của rất nhiều nơi mà chẳng có nơi nào chịu trách nhiệm. Đồng thời, nâng cao thực sự chất lượng nền công vụ, xóa bỏ dần cách nói mỉa mai về nền hành chính hiện nay “hành là chính”.

Theo GS-BS Trần Đông A, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP, việc cải cách như đề án đưa ra sẽ làm giảm các tầng nấc trung gian. Từ đây, các nơi giải quyết công vụ sẽ đến gần với dân hơn, cải thiện mối quan hệ giữa dân và chính quyền hơn; đi đôi với thủ tục thông thoáng sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Như vậy là giảm chi phí, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp nói riêng, tăng chất lượng cuộc sống nói chung. Điều này là hết sức quan trọng đối với sự phát triển.

Ông Trần Đông A cũng đặt hy vọng CQĐT sẽ giải quyết được tình trạng các tệ nạn xã hội, trật tự đô thị cứ dẹp ở địa bàn này thì lại chạy qua địa bàn khác như hiện nay. “Chỉ trên một con đường mà bên này là quận 1, bên kia là quận 3 hay bên này là quận 11 bên kia là quận 5. Từ đây dẫn đến tình trạng là các lực lượng chức năng quận này truy quét thì các đối tượng vi phạm lại dạt sang quận kia hoạt động… rất khó xử lý triệt để. Hy vọng rằng việc đổi mới trong mô hình CQĐT tương lai sẽ giải quyết được vấn đề này” - ông Trần Đông A nói.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm