Thêm công cụ cho Bộ Tư pháp

Ngày 23-11, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện quyết định của Thủ tướng, bàn giao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thành đơn vị thứ 22 thuộc Bộ Tư pháp. Đây là bước quan trọng để điều chỉnh hợp lý hóa chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng CP và Bộ Tư pháp, để ngành tư pháp có công cụ mạnh mẽ, hữu hiệu hơn trong thực hiện nhiệm vụ tham gia hoàn thiện thể chế, bao gồm xây dựng pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

Bắt đầu bằng Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, năm 2007, một tổ công tác của Thủ tướng đã được thành lập để tiến hành những bước đột phá vào cải cách TTHC. Tổ công tác đã lên danh mục và tiến hành công khai tất cả TTHC ở mọi lĩnh vực, từ cấp xã tới trung ương. Đồng thời rà soát, cắt giảm, thu gọn các thủ tục rườm rà, hợp lý hóa một bước các quy trình, TTHC quản lý nhà nước.

Sau ba năm triển khai Đề án 30, đầu năm 2011, Cục Kiểm soát TTHC được thành lập, đặt tại Văn phòng Chính phủ. Và hệ thống dọc cũng được tổ chức tại các địa phương, theo cách biên chế cán bộ chuyên trách về kiểm soát TTHC vào văn phòng UBND tỉnh, thành. Thời điểm ấy đã có tranh luận là bộ phận kiểm soát TTHC nên đặt ở Văn phòng Chính phủ, văn phòng ủy ban hay giao cho Bộ Tư pháp, các sở Tư pháp địa phương thì hợp lý hơn.

Thêm công cụ cho Bộ Tư pháp ảnh 1

Thủ tục hành chính ngày càng được công khai trên mọi lĩnh vực. Ảnh: HTD

Dù vậy, như đánh giá của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Hoạt động của Cục Kiểm soát TTHC đã bước đầu đi vào nề nếp, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng các TTHC, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải phòng nguồn lực của xã hội. Đồng thời, mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho công tác đơn giản hóa TTHC vốn rất khó khăn, phức tạp, tạo sự lan tỏa rộng rãi và được xã hội, người dân, doanh nghiệp đón nhận”.

Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng pháp luật, thể hiện qua vai trò thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và Chính phủ trước khi ban hành. Ngoài ra, bộ còn có chức năng hậu kiểm với các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương, được thực thi bởi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nay có thêm Cục Kiểm soát TTHC - với 47 biên chế, chủ yếu là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp sẽ được gắn kết chặt chẽ hơn, cả về nội dung và quy trình thực hiện, giữa kiểm soát TTHC với công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. “Hoạt động này sẽ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thực hiện kiểm soát TTHC, bắt đầu từ khâu kiểm soát trên giấy đến kiểm soát thực thi, giúp nâng cao chất lượng, tính minh bạch, hiệu quả của hệ thống pháp luật” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Với việc hợp lý hóa tổ chức này, Chính phủ và Bộ Tư pháp có thể sẽ khắc phục phần nào khoảng trống mà việc bỏ chức năng kiểm sát chung của VKSND để lại những năm qua - vấn đề mà khá nhiều ĐBQH đã nêu ra ở kỳ họp QH vừa rồi.

Để tạo điều kiện thuận lợi, sớm ổn định hoạt động của Cục Kiểm soát TTHC, toàn bộ cơ sở vật chất của Cục vẫn được giữ nguyên. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán để tổ chức hợp lý lại lực lượng làm công tác kiểm soát TTHC hiện đang đặt tại văn phòng UBND tỉnh, thành.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm