Tháo dỡ mọi công trình quân sự trên đường biên giới Việt-Trung

Lần đầu tiên xác lập rõ ràng biên giới Việt-Trung

. Thưa ông, Hiệp định biên giới ký từ năm 1999 mà đến giờ mới có tỉnh đầu tiên hoàn tất cắm mốc thực địa. Ông có thể bình luận gì về sự kiện này?

+ Trưởng đoàn phân giới cắm mốc tỉnh Vân Nam nói đây là bông hoa đẹp thì đúng như vậy. Đây là bông hoa đẹp của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, mở đường và khích lệ để sáu tỉnh biên giới còn lại sớm hoàn tất cắm mốc trong năm 2008 như thỏa thuận cấp cao hai nước.

Nhưng điều quan trọng chưa dừng lại ở cắm mốc mà là mở đường cho hợp tác kinh tế phát triển, để đường biên giới Việt-Trung thực sự trở thành biên giới hòa bình, hợp tác và cùng nhau phát triển. Với đà đã được tạo ra trong những năm qua, tôi tin rằng trong năm 2008 chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ việc cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ Việt-Trung. Lần đầu tiên đất nước ta, dân tộc ta có một đường biên giới trên bộ với Trung Quốc rõ ràng, dễ nhận biết như thế.

. Ước tính còn khoảng 15% công việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới, bao giờ sẽ hoàn thành?

+ Hiện tại chúng ta hoàn thành 85%-87% công việc. Khu vực tồn đọng phần lớn là phức tạp, nhạy cảm tồn tại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hai nước đã ký thỏa thuận hoàn tất phân giới cắm mốc trong năm 2008. Ban chỉ đạo trung ương đang bám sát, chỉ đạo phương án đàm phán triển khai cụ thể từng mốc, từng khu vực. Trung ương tăng cường lực lượng cho các nhóm phân giới cắm mốc với chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất, khỏe mạnh nhất.

Không thỏa hiệp để mất đất

. 15% khu vực còn lại như ông nói là phức tạp. Tại sao vậy?

+ Phần lớn là điểm C. Năm 1999, khi ký Hiệp ước, đôi bên có 164 khu vực C, tức hai bên có nhận thức khác nhau. Chẳng hạn địa hình thay đổi không như bản đồ thời Pháp-Thanh hoặc mô tả trước đây không rõ. Nhưng những khu vực này đi vào cụ thể dần dần được giải quyết. Thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân đều là khu vực C như vậy.

. Có người lo ngại đẩy nhanh tốc độ cắm mốc có thể thiếu chính xác. ông nghĩ sao?

+ Trong cuộc họp ở cấp trưởng đoàn Chính phủ về biên giới lãnh thổ, tôi và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã thỏa thuận một loạt biện pháp để đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc. Chẳng hạn, đồng loạt giải quyết tất cả các khu vực, kể cả nơi khó khăn nhất như thác Bản Giốc. Song song tạo điều kiện ổn định, ít ảnh hưởng nhất tới cộng đồng dân cư biên giới. Ngoài ra còn có một thống nhất rất quan trọng là đôi bên dỡ bỏ những công trình nằm trên đường biên giới, trong đó có công trình quân sự... Tôi tin là với các thỏa thuận đó, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhanh việc phân giới cắm mốc.

Những chỗ chưa rõ thì phải tìm ra được đường biên vừa phù hợp với Hiệp ước, vừa được hai bên chấp nhận với tinh thần anh em chứ không phải là thỏa hiệp để mất đất.

Biên giới trên bộ: An ninh đã tốt lên nhiều

. Thưa ông, khu vực biên giới Việt-Trung thường xảy ra các vụ việc người dân hai nước tranh giành đất sản xuất, đôi khi dẫn tới xô xát. Cắm mốc xong liệu có giải quyết được vấn đề này?

+ Như khu vực này chẳng hạn, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể. Tại vì cắm mốc xong sẽ chỉ ra được một đường biên dễ nhận biết nhất, dễ quản lý nhất, cả dân và cán bộ đều biết giới hạn của mình tới đâu.

Ngay những nơi chưa hoàn thành thì so với một, hai năm trước, tình hình cũng đã tốt hơn rất nhiều, phù hợp với quan hệ Việt-Trung. Chúng tôi và các đồng chí biên phòng trực tiếp làm những việc đó biết rất rõ.

. Chúng tôi được biết với phần đất mà dân Trung Quốc xâm canh, người dân và chính quyền địa phương của ta đã chi tiền bồi thường công sức trồng trọt cho họ. Vậy với phần mà dân Việt Nam sang bên kia thâm canh, phía Trung Quốc ứng xử như thế nào?

+ Đã là quan hệ qua lại thì phải đôi bên cùng có trách nhiệm. Chúng ta rất đàng hoàng và phía Trung Quốc cũng phải có trách nhiệm. Vạch ra được một đường biên rõ ràng, dễ nhận biết nhất thế này, bà con không có gì thiệt thòi cả.

Việt Nam mất thác Bản Giốc?

. Thưa ông, vừa rồi các diễn đàn trên Internet có thông tin rất khác nhau về Hiệp định biên giới trên bộ. Thậm chí đặt cả vấn đề Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi ký hiệp định này. Là người trong cuộc, ông giải thích thế nào?

+ Biên giới lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng của mọi quốc gia. Việt Nam ta lại càng như vậy. Nhiều thế hệ đã chiến đấu vì chủ quyền, bảo vệ mảnh đất này. Dân tộc ta đi qua nhiều cuộc kháng chiến cũng để bảo vệ chủ quyền đó. Cho nên biên giới lãnh thổ là vấn đề rất thiêng liêng với từng người dân và với cả lãnh đạo nhà nước.

Tôi khẳng định thông tin mà bạn nêu hoàn toàn không có cơ sở. Vì chúng ta xây dựng Hiệp ước 1999 với Trung Quốc là đã dựa trên nguyên tắc của đường biên giới lịch sử. Tức là đường biên giới được xác định trên hai công ước Pháp-Thanh 1885 và 1897. Có thể nói Hiệp ước 1999 đã phản ánh đầy đủ nhất, trung thực nhất, chính xác nhất hai công ước đó. Cho nên không thể nói Việt Nam mất đất.

. Cụ thể với thác Bản Giốc thì sao? Có dư luận là Việt Nam bị mất.

+ Công ước Pháp-Thanh và Hiệp định 1999 quy định đường biên giới khu vực này chạy theo trung tuyến dòng chảy sông Quế Sơn, lên thác và tới mốc 53 phía trên. Do đó, phần thác cao rất đẹp của Bản Giốc hoàn toàn nằm bên phía Việt Nam, phần thác thấp nhưng là phần chính nằm ở sông Quế Sơn có một phần thuộc Trung Quốc. Như vậy không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc. Tôi cho rằng có người thiếu thông tin nhưng cũng có người cố tình bôi nhọ chúng ta.

. Nhưng có thực tế như người dân địa phương phản ánh là trước đây cha ông họ vẫn canh tác, trồng cấy bên kia thác Bản Giốc. Điều đó có thể hiểu thế nào?

+ Khu vực nào cũng có. Có nơi hai xóm hai bên đường biên cùng dân tộc, cùng anh em họ hàng, làng xóm cả. Biên giới là một lịch sử dài nên qua lại xâm canh, xâm cư rất bình thường. Sau Hiệp định 1999, hai nước đang giải quyết vấn đề này. Chỗ nào thuộc về Trung Quốc thì trả về Trung Quốc, phần nào của Việt Nam thì trả về cho Việt Nam. Tuyệt nhiên không được hiểu là ta bị mất đất.

Đường biên giới được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000, tức một mm trên bản đồ ra thực địa là 50 m. Người phân giới cắm mốc phải đưa được nét vẽ đó ra thực địa. Có thể nói đường biên giới chúng ta chưa bao giờ được phân định rạch ròi như bây giờ.

Vấn đề biển Đông không liên hệ tới tiến độ cắm mốc trên bộ

. Vấn đề cuối cùng, thưa ông. Việt – Trung còn tồn tại vấn đề biển Đông và dường như nóng lên nhiều thời gian qua. Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa đất liền?

+ Tôi không thấy sự liên hệ nào giữa hai việc này. Chính Trung Quốc cũng rất quyết tâm hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ và cũng đang làm hết sức mình để hoàn tất trong tháng 6-2008. Còn vấn đề biển Đông, đôi bên tiếp tục bàn bạc tìm giải pháp.

. Với biểu hiện thanh niên tụ tập biểu thị tình cảm với chủ quyền, biên giới, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có trách nhiệm hơn trong cung cấp thông tin tới dân chúng về vấn đề chủ quyền quốc gia. Ông nghĩ thế nào?

+ Tôi đồng ý. Trong chủ trương chung về công khai, minh bạch, nhà nước cần tăng cường thông tin cho báo chí, cho người dân để mọi người nắm được tình hình.

. Xin cảm ơn ông!

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm