Tài sản tăng thêm 100 triệu đồng phải giải trình nguồn gốc

Nhất là đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động công quyền, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo vừa được công bố lấy ý kiến rộng rãi tập trung sửa đổi các nội dung như: Tăng cường công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tổng công ty, tập đoàn Nhà nước; việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và một số vấn đề khác.
 
Bên cạnh đó, quán triệt và cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có những bước đi phù hợp nhằm tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tạo tiền đề tốt cho Việt Nam trong chu trình đánh giá lần hai về việc thực thi Công ước đối với Chương II - Các biện pháp phòng ngừa và Chương V - Thu hồi tài sản.
 
Không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm bị kỷ luật
 
Theo Dự thảo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình với cơ quan, tổ chức, cá nhân  về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, khi có yêu cầu.
 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình giải trình về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm thực hiện việc giải trình về những nội dung trong thời hạn được yêu cầu. Trường hợp giải trình không đạt yêu cầu thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tùy theo tính chất, mức độ xem xét việc bố trí lại công tác hoặc xử lý kỷ luật.

Dự thảo cũng quy định, khi kê khai tài sản, thu nhập mà tài sản, thu nhập có sự biến động tăng thêm từ 100 triệu đồng trở lên so với lần kê khai gần nhất, người kê khai phải giải trình nguồn gốc phần tăng thêm.
 
Người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.
 
Người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.
 
Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị không tổ chức, tổ chức kê khai chậm, không báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật  theo quy định của pháp luật.
 
Công khai bản kê khai tài sản tại nơi làm việc
 
Dự thảo quy định, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31/12 đến ngày 31/3 của năm sau và phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.
 
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, hội đồng nhân dân phải được công khai với Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.
 
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được công khai tại đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan thường trực của tổ chức đó.
 
Theo Dự thảo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình trực tiếp quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì phải tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.
 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác theo quy định ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra quy định tại Luật này.
 
Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng thì cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra yêu cầu thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.

Người tố cáo tham nhũng được nhà nước bảo vệ
 
Dự thảo quy định, người tố cáo, người thân thích của người tố cáo về hành vi tham nhũng được Nhà nước bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm và các quyền nhân thân khác.
 
Cơ quan báo chí, phóng viên phát hiện hoặc đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước.

Theo Hồng Hà (Báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm