Tài sản nhà nước - Tiền thuê vào túi ai?

Tài sản nhà nước có nên cho thuê không; nếu cho thuê thì thuê như thế nào; nên sửa đổi toàn bộ luật ban hành văn bản hay chỉ một phần... Những vấn đề nóng xung quanh nội dung của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ tại phiên thảo luận tổ hôm qua, 8-11.

Một luật không quản hết được

Nội dung được bàn cãi nhiều nhất của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chính là việc tài sản nhà nước giao cho đơn vị, cá nhân quản lý có được cho thuê hay không. “Đã là tài sản công thì không cho thuê!” - đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm. Ông Lịch nói thêm: “Đối với những trường hợp “lỡ” cho thuê hoặc chấp nhận cho thuê thì 100% tiền thu được phải đưa vào ngân sách nhà nước”.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu cho phép các đơn vị cho thuê tài sản nhà nước sẽ rất dễ xảy ra trường hợp đơn vị tìm mọi cách thu hẹp diện tích sử dụng để cho thuê lấy tiền”. Chánh thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Bùi Sĩ Lợi, cũng đồng nhất quan điểm “đã là tài sản nhà nước thì không được cho thuê vì các đơn vị công lập không phải là đơn vị kinh doanh”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm “mềm” hơn. Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) đưa ví dụ: “Trung tâm Hội nghị quốc gia đầu tư hơn 300 triệu USD, nếu để không thì rất phí. Các sân vận động cũng vậy nếu không cho thuê biểu diễn nghệ thuật”.

Tại đoàn Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông bày tỏ: “Tôi nghĩ không nên cứng nhắc. Cái chính là cho thuê thì nên thế nào. Có nhiều nơi như trụ sở, nhà cửa thuộc tài sản nhà nước đã xuống cấp, tư nhân xin thuê và bỏ tiền ra trùng tu, bảo quản lại thì cũng tốt. Quan trọng là phải chấm dứt tình trạng cơ quan, đơn vị đem tài sản nhà nước ra cho thuê rồi lấy tiền đó chia chác, bỏ túi cá nhân”.

Về phạm vi điều chỉnh dự án luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc đưa tài nguyên, khoáng sản... vào là quá rộng. Vì vậy, chỉ nên điều chỉnh hai mảng quan trọng nhất là tài sản công (nhà cửa, trụ sở, xe cộ) và vốn của nhà nước. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật và gọi tên luật là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Còn theo đại biểu Lê Văn Cuông, lẽ ra phải xây dựng một bộ luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gồm ba luật chuyên ngành, bao quát các lĩnh vực: tài nguyên thiên nhiên; đất đai, bất động sản và vốn; động sản. Ông Cuông cho rằng dự thảo luật thiếu một quy định quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Đại biểu trình dự án luật: Khó quá!

“Đọc dự thảo, chúng ta không thấy sự mới mẻ trong cách làm luật. Luật này cũng chưa khuyến khích việc trình dự án luật từ phía Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà vẫn nghiêng về Chính phủ” - đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) phát biểu về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Theo bà Thảo, trên thế giới, việc đại biểu QH tự trình một dự án luật và được phê chuẩn là chuyện bình thường. Chẳng hạn, đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể trình dự án luật về cảnh sát đô thị tại các TP lớn. Tuy nhiên, với quy trình trình một dự án luật quá phức tạp, cộng thêm việc đại biểu Quốc hội không có đội ngũ giúp việc như nhiều nước thì việc đại biểu Quốc hội trình dự án luật rất khó thành hiện thực.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng bức xúc: “Tôi là luật sư mà trong lĩnh vực đất đai cũng không biết văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào không! Vì vậy, khi ban hành văn bản mới thì ngay tại văn bản đó phải chỉ ra những điều trái với văn bản khác”.

Đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ nên tập trung sửa một vài điểm “làm khó” quy trình lập pháp, lập quy. “Cần có tổng kết đánh giá thực tiễn. Trên cơ sở đó thống nhất hai luật “lập pháp” và “lập quy” về một mối” - ông Lịch kiến nghị.

LÊ KIÊN - THU NGUYÊT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm