Tái định cư dự án Thủy điện Sơn La: Dân chưa quen tập quán canh tác mới

Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với quy mô dân số phải di dời lớn nhất từ trước đến nay: hơn 100.000 nhân khẩu. Với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, dự án này cũng đạt kỷ lục về số vốn.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đảm bảo cho người dân di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ nhưng báo cáo giám sát trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm qua (14-4) lại cho thấy chưa làm được như vậy.

Có nhà mới nhưng không biết làm gì

“Đến đây ở lâu rồi, có nhà mới rồi nhưng không biết làm gì, chỉ ở nhà xem tivi, nấu cơm ăn và chờ con đi học về thôi...” - rất mộc mạc, một phụ nữ Thái trả lời trong phóng sự của đoàn giám sát. Về nguồn sống của người dân, ngoài những hỗ trợ về nhà cửa, hạ tầng là 20 kg gạo/người/tháng, nhiều người còn chưa nhận được tiền bồi thường sau hai năm về nơi ở mới. “Ngoài cái nhà ra, chúng tôi chưa nhận được một đồng bồi thường, hỗ trợ nào hết” - một phụ nữ khác nói.

Đọc báo cáo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước nhấn mạnh: “Qua tiếp xúc của đoàn giám sát với dân tái định cư, họ đều cho rằng giá trị tài sản họ mất lớn hơn rất nhiều so với số tiền bồi thường, hỗ trợ của nhà nước. Nhưng vì dòng điện tương lai của đất nước, họ sẵn sàng chấp nhận sự mất mát đó”.

Ông Phước cho hay những điểm đoàn giám sát đến, các hộ dân đều có tâm trạng chung là lo lắng thiếu hoặc thậm chí không có đất sản xuất, đất sản xuất đã được tạm giao thì chất lượng lại xấu. Người dân chưa rõ các phương án phát triển sản xuất những năm tới như thế nào, đa số đều cảm thấy không yên tâm.

“Dân nói mất nhiều hơn được, chuyện này có đúng không?” - Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên hỏi. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Trí Thức trả lời: “Khi đi kiểm kê tài sản, đất đai, chúng tôi làm rất minh bạch, người dân cùng tham gia và ký vào biên bản. Tôi nghĩ chắc là do nhà nước trả tiền bồi thường, hỗ trợ chậm nên dân nhận thức là mất nhiều hơn được. Di chuyển lên vùng khác, người dân phải bỏ quê hương bản quán, bỏ tập tục sản xuất lúa nước nhiều đời nay. Sự hy sinh vô hình này là quá lớn chứ không phải là vật chất”.

Ông Kso Phước khẳng định dân mất nhiều hơn được là vật chất chứ chưa nói đến tinh thần. Dân bảo đất được giao ở nơi mới hẹp hơn nơi cũ, xưa nay trồng lúa thì giờ phải trồng rừng, muốn làm nhà ưng ý thì tiền mất nhiều hơn số nhà nước hỗ trợ...

Khắc phục ngay việc bồi thường chậm

Tính đến ngày 31-12-2008, mới có 385/1.206 tiểu dự án được phê duyệt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau sáu năm thực hiện, mới di chuyển được 62% số hộ phải di dời, vẫn còn hơn 6.000 hộ cần di chuyển trước tháng 7-2010. Cũng theo báo cáo, việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% số hộ đã di chuyển. Chính phủ luôn ưu tiên bố trí vốn đạt yêu cầu nhưng giải ngân mới đạt 58% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lý giải: “Chậm thanh toán chế độ cho dân là do thủ tục còn có vấn đề, đội ngũ cán bộ thiếu và năng lực hạn chế trong khi khối lượng công việc quá nhiều”.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rằng “Có hoàn thành việc di dân tái định cư trước tháng 7-2010 không?”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban chỉ đạo nhà nước về dự án Thủy điện Sơn La cho biết thời gian còn lại là một năm, trừ đi năm tháng mùa mưa, số hộ phải di dời là 6.000, nếu mỗi tháng di dời được 1.000 hộ thì xong. Các địa phương đã cam kết là làm được.

Ông Hải cho rằng để tình trạng dân đến nơi ở mới hai năm trời mà chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ là không được. “Tôi xin nhận trách nhiệm với UBTVQH, tôi sẽ cho kiểm tra và giải quyết ngay. Chính phủ cũng cam kết không để thiếu vốn đối với các dự án di dân” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Bài toán hậu tái định cư

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (từng là Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La) cho rằng tập quán canh tác chính là sức cản rất lớn đối với việc ổn định sản xuất và đời sống đồng bào. Trước đây, người Thái làm lúa nước, ở bên suối, bên sông, bây giờ phải lên cao để trồng hoa màu, trồng rừng, làm tiểu thủ công nghiệp..., cuộc sống đảo lộn không phải ai cũng thích nghi được. “Cần sớm khắc phục yếu kém trong công tác quy hoạch dân cư, sản xuất. Cái gì nhà nước hứa với dân rồi thì phải làm bằng được, nếu không sẽ mất niềm tin” - bà Phóng cảnh báo.

“Đồng bào ở nhà đẹp nhưng không biết làm gì, cả ngày ngồi nhìn ra cửa sổ, xem tivi và thổi cơm ăn thì đúng là vấn đề rất lớn. Đoàn giám sát đề nghị nên kéo dài thời gian cấp gạo nuôi đồng bào thêm một năm nữa nhưng tôi nghĩ, tình trạng thế này thì cần đặt vấn đề nuôi nhiều năm nữa” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm