Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Sẽ xử được tội về môi trường

Hôm qua (19-6), trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Nội dung đáng chú ý nhất của lần sửa đổi này là đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở chín tội danh. Tuy nhiên, có tới năm tội danh gây tranh cãi lớn, gồm tội hiếp dâm; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; phá hủy vũ khí quân dụng; tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy. Một đề xuất sửa đổi khác cũng có nhiều ý kiến khác nhau là có nên phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Bỏ tội sử dụng ma túy

Chính vì vậy, sáu nội dung trên đã phải đưa ra biểu quyết từng phần. Tỷ lệ biểu quyết cho thấy thái độ của đại biểu vẫn còn dè dặt với lần sửa luật này: chỉ 44,4% ủng hộ việc tách hành vi vận chuyển, tàng trữ ma túy thành điều luật riêng và bỏ tử hình với tội danh này (không thông qua được); hơn 53% ủng hộ bỏ hẳn tội sử dụng ma túy (vừa sát nút thông qua). Những trường hợp còn lại chỉ đạt ủng hộ 57%-70%...

Sau phần biểu quyết trên, Quốc hội đã thông qua toàn phần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Theo đó, bỏ hình phạt tử hình với tám tội danh (xem box); nâng định lượng tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt ở các tội trong nhóm xâm phạm sở hữu, nhóm tham nhũng và nhóm tội phạm về chức vụ từ mức 500 ngàn đồng hiện thời lên hai triệu đồng; nâng định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt ở tội lạm dụng tín nhiệm từ một triệu đồng lên bốn triệu đồng; tài sản bị chiếm giữ trái phép từ năm triệu đồng lên 10 triệu đồng; tiền trốn thuế từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng mới bị truy cứu hình sự.

Ngoài ra, lần này còn hình sự hóa một số vi phạm pháp luật mới bằng cách sửa đổi, bổ sung một số điều luật liên quan đến hành vi buôn người, xâm phạm sở hữu trí tuệ, xâm hại môi trường, xâm phạm sự an toàn của mạng máy tính, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán...

Không còn bó tay trong các tội về môi trường, đất đai

BLHS sửa đổi còn sửa đổi theo hướng rõ hơn, dễ áp dụng hơn với một số loại vi phạm. Chẳng hạn, tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai ở Điều 174 hiện tại đòi hỏi người lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật phải “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” thì mới bị xử lý hình sự. Như thế, kể cả trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đất vi phạm có diện tích lớn, giá trị lớn mà chưa bị xử lý hành chính lần nào thì pháp luật hình sự cũng bó tay. Nay yếu tố “đã bị xử lý kỷ luật hành chính mà còn vi phạm” được rút ra ngoài như một trường hợp riêng biệt để có thể hình sự hóa những trường hợp vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, diện tích lớn nêu trên.

Tương tự, các tội danh về gây ô nhiễm môi trường cũng được sửa đổi lại bằng cách loại bỏ tình tiết bắt buộc “đã bị xử phạt hành chính”.

Đáng chú ý, siết chặt hơn các quy định bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng, Quốc hội chấp thuận hình sự hóa cả hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật”; và “mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”.

Ngoài ra, để xử lý hành vi mua bán hóa đơn, BLHS được bổ sung một tội danh mới: “Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” với mức phạt cao nhất đến năm năm tù.

Được hồi tố nếu có lợi

Vấn đề đặt ra là việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh, điều chỉnh định lượng giá trị tiền, tài sản... sẽ liên quan trực tiếp tới việc đánh giá tội danh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, tội phạm xảy ra trước khi luật này được ban hành, hiện đang trong quá trình điều tra, xử lý thì áp dụng luật cũ hay luật mới? Sau khi luật này có hiệu lực mới phát hiện hành vi thì áp dụng luật nào? Các bị án đã bị tuyên phạt tử hình, giờ chờ thi hành án mà thuộc những tội danh bỏ tử hình thì có được đặc ân?

Để giải quyết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thi hành luật mới. Cụ thể, luật mới sẽ có hiệu lực từ 1-1-2010, do đó mọi hành vi phạm tội thực hiện từ thời điểm này trở đi sẽ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo luật mới. Riêng với những tội danh mà định lượng được nâng lên thì nếu phạm tội trước thời điểm này mà sau này mới bị phát hiện hoặc hiện tại đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ được vận dụng luật mới theo nguyên tắc hồi tố có lợi cho đối tượng phạm pháp...

Đáng chú ý, nghị quyết cho phép áp dụng trước cả khi luật có hiệu lực với những trường hợp đặc biệt theo hướng có lợi cho đối tượng phạm pháp. Chẳng hạn, với những người đã phạm vào tám tội danh mà luật mới bỏ hình phạt tử hình thì kể từ ngày luật mới được công bố sẽ không phải đối mặt với hình phạt tử hình nữa. Thậm chí, nếu họ đã bị tuyên phạt tử hình, đang đợi thi hành thì sẽ được chuyển ngay sang hình phạt tù chung thân.

Tương tự, những người phạm vào các tội danh được phi hình sự hóa như sử dụng trái phép chất ma túy, ở lại nước ngoài trái phép, hoặc phạm vào các tội xâm phạm quyền sở hữu, tham nhũng... nhưng giá trị vi phạm dưới mức quy định của luật mới thì kể từ ngày luật được công bố sẽ không bị “xử lý về hình sự”.

Cần lưu ý, thông thường việc ký lệnh công bố luật của Chủ tịch nước sẽ được thực hiện trong vòng một tháng sau khi bế mạc phiên họp, sớm hơn rất nhiều so với thời điểm 1-1-2010.

Tám tội danh được bỏ tử hình

- Hiếp dâm (Điều 111);

- Lừa đảo (Điều 139);

- Buôn lậu (Điều 153);

- Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180);

- Tổ chức sử dụng ma túy (Điều 197);

- Chiếm đoạt tàu thủy, máy bay (Điều 221);

- Đưa hối lộ (Điều 289);

- Hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm