Sơ kết thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Ðồng chí Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động, chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động.

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Dự Hội nghị, có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động; Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban tuyên huấn của các đảng ủy trực thuộc T.Ư, các bộ, ban, ngành, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng công ty 91, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc gia Hà Nội và Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Ðồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động, đã trình bày báo cáo sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Bản báo cáo đã khái quát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động; tình hình tổ chức nghiên cứu; học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc triển khai các bước của Cuộc vận động trong năm qua, những kết quả bước đầu đạt được; những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục, cũng như những bài học kinh nghiệm về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới.

Về kết quả bước đầu thực hiện Cuộc vận động trong năm qua, báo cáo khẳng định. Sau một năm triển khai Cuộc vận động, dư luận chung trong Ðảng và trong xã hội cho rằng, việc Trung ương phát động Cuộc vận động này là "đúng" và "trúng", đáp ứng tình cảm và lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều ý kiến tâm huyết nói lên sự kỳ vọng vào kết quả.

Cuộc vận động và đề xuất nhiều kiến nghị quý. Sau khi triển khai Cuộc vận động sâu rộng trong cả nước, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thành công của Cuộc vận động được nâng lên, lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt ở cơ sở xã, phường.

Qua nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cán bộ, đảng viên, công chức đã có sự chuyển biến bước đầu về nhận thức tư tưởng, về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống. Ða số đã hiểu rõ hơn nội dung tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhận thức rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; về đạo đức là "gốc" của người cách mạng.

Tuy nhiên, nhận thức chung của cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có một số cán bộ chủ chốt về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, về các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đầy đủ. Trong Ðảng và trong xã hội vẫn còn có quan niệm coi Cuộc vận động đơn thuần là giải pháp chống suy thoái về đạo đức, lối sống, do vậy "chỉ những người có chức, có quyền mới phải học"; hoặc cho rằng học tập tư tưởng của Bác thì dễ, còn làm theo tấm gương của Bác thì rất khó, thậm chí cho rằng " không thể làm theo"...

Qua báo cáo sơ kết của các ngành, địa phương, cơ sở và qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân; có chuyển biến tốt hơn trong quan hệ với nhân dân, với tập thể và cộng đồng xã hội... ở các địa phương, cơ sở, Cuộc vận động đã trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tác động đến việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Có xã, phường sau khi triển khai Cuộc vận động, tệ nạn xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy và quy định của tập thể giảm nhiều; các phong trào và hoạt động xã hội đã động viên được đông đảo hơn cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân tham gia.

Trong công tác của một số cơ quan, đơn vị, do lồng ghép tốt nội dung Cuộc vận động với nhiệm vụ công tác thường xuyên, nên hiệu quả công tác, sản xuất kinh doanh, quan hệ trực tiếp với nhân dân... có sự chuyển biến theo hướng tích cực, tiến bộ, được nhân dân ghi nhận. Ở nhiều ngành, địa phương đã xuất hiện những tấm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, được nhân dân thừa nhận và hoan nghênh. Một số nơi đã xây dựng các quy định, quy chế, quy ước cụ thể trong thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức theo yêu cầu của Cuộc vận động (như quy định không được uống rượu trong bữa ăn trưa của một số tỉnh, quân đội...), được mọi người nghiêm chỉnh chấp hành và nhân dân ghi nhận.

Do thời gian triển khai Cuộc vận động chưa dài, giai đoạn đầu còn tập trung vào tổ chức học tập, nâng cao nhận thức, nên kết quả cụ thể của việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa thật sự rõ nét.

Vào những tháng cuối năm 2007, nhất là sau các cuộc kiểm tra và triển khai chỉ đạo thí điểm Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Trung ương và tổ chức hội thi ở nhiều địa phương, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có nhiều chuyển biến tốt, đang vào cuộc sống, vào lòng người, được xã hội đón nhận, trở thành một sinh hoạt chính trị, văn hóa khá sâu rộng, tạo được ấn tượng và sự quan tâm của xã hội. Ðây là kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề đẩy mạnh Cuộc vận động với những bước tiếp theo. Báo cáo cũng nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.

Sau khi xác định phương hướng thực hiện các nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động trong năm 2008, Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động đã đề ra 10 nội dung thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, nhấn mạnh tổ chức đợt học tập trong cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên, đoàn viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chuyên đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Trong quá trình học tập chuyên đề có tổ chức thảo luận, liên hệ và đề ra chương trình hành động cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X). Ngoài ra, với cán bộ, công chức còn cần tổ chức học tập tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Bác, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa X).

Thời gian bắt đầu tổ chức học tập vào đầu năm 2008. Tiếp tục tổ chức tốt hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp quận, huyện và tỉnh, thành phố xong trước tháng 9-2008. Sau khi tổ chức hội thi, Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức các thí sinh đoạt giải cao, kể chuyện hay, hấp dẫn đi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong các sinh hoạt cộng đồng với các hình thức phù hợp, nhằm tiếp tục tuyên truyền về Cuộc vận động và đạo đức Hồ Chí Minh.

Tổ chức hội thi khu vực, tiến tới Hội thi chung khảo toàn quốc vào dịp 3-2-2009. Phát động cuộc vận động sáng tác và biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những việc làm tốt, những gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 3-2-2008, kéo dài đến hết năm 2010, có tiến hành sơ kết hằng năm và biểu dương, khen thưởng trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác.

Gắn Cuộc vận động với việc thực hiện Chỉ thị số 19 - CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương về Kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008). Triển khai việc giáo dục đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hoàn thành việc xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục đạo đức, giáo dục công dân gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường chính trị.

Tổ chức làm điểm để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng vào năm học 2009-2010. Trung ương triển khai việc chỉ đạo điểm ở 24 ngành, địa phương, được chọn. Từng ngành, địa phương chọn một số đơn vị trực thuộc để chỉ đạo điểm. Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sáu tháng chỉ đạo điểm thực hiện Cuộc vận động ở một số ngành, địa phương, từ đó để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng trong cả nước. Thực hiện việc kiểm tra định kỳ thực hiện Cuộc vận động tại các ngành, địa phương và cơ sở.

Ðẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động. Tiếp tục hoàn thành các tập phim tài liệu theo chủ đề: Toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phản ánh kết quả và các điển hình, kinh nghiệm tiến hành Cuộc vận động trong toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Ðộng viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, văn học, nghệ thuật tích cực, chủ động xây dựng các tác phẩm phục vụ Cuộc vận động.

Tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Cuộc vận động từ cơ sở trở lên, có biểu dương, khen thưởng những gương tổ chức, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc vào dịp 3-2-2009.

Hội nghị đã nghe một số tham luận về kinh nghiệm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của các loại hình tổ chức đảng thuộc các địa phương, đơn vị, các ngành và lĩnh vực tiêu biểu.

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã phát biểu ý kiến kết luận hội nghị. Về tình hình và kết quả thực hiện Cuộc vận động trong năm 2007, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: Cuộc vận động đã được triển khai rộng rãi, làm được nhiều việc và có tác dụng tích cực bước đầu đến đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của xã hội.

Trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến bước đầu quan trọng, đáng phấn khởi. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cần thấy rõ việc triển khai Cuộc vận động còn nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Ðịnh hướng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong năm 2008, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần quán triệt một số điểm cơ bản để triển khai thực hiện tốt.

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức ở tất cả các ngành, các cấp, trước hết là cán bộ chủ chốt, về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình đổi mới, Ðảng ta đã xác định phải tiến hành đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Ðảng và phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà chúng ta học tập và noi theo là sự kết tinh của đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc với đạo đức, lý tưởng cách mạng cao quý "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Ðó là sự kết hợp chặt chẽ giữa phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người cách mạng, của con đường phát triển mà cả dân tộc ta đã lựa chọn.

"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chính là xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Ðó là công việc lâu dài, phải làm liên tục, thường xuyên, mà giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ Ðại hội X chỉ là một chặng đầu tiên.

Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn, nội dung Cuộc vận động cần được cụ thể hóa, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong tình hình hiện nay, thực hiện tốt Cuộc vận động là giải pháp cơ bản, lâu dài, xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội, đồng thời có ý nghĩa cấp bách trước mắt, nhằm xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Thực hiện tốt Cuộc vận động để huy động sự tham gia tự giác, tích cực của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vì mục tiêu phát triển đất nước nhanh, hiệu quả và bền vững. Năm 2008, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, hoàn thành sớm các chỉ tiêu của nhiệm vụ kế hoạch năm năm 2006 - 2010, yêu cầu toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trước hết là Bí thư cấp ủy, cán bộ chủ trì, chủ chốt trong tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị cần nhận thức rõ rằng, thực hiện tốt Cuộc vận động là một trong những giải pháp để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Hai là, để thực hiện được định hướng trên, cần gắn các nội dung và hình thức tiến hành Cuộc vận động với các nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua, lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào mọi hoạt động của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là học tập tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, với tinh thần "bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân" của Bác, coi đó là chiếc gương soi để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cuộc vận động lớn và quan trọng phải trở thành bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Ðảng, công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng. Thực hiện được định hướng này sẽ giúp khắc phục được hạn chế, tiến hành Cuộc vận động một cách hình thức, thành tích chủ nghĩa, làm theo đợt, kiểu phong trào, như vừa qua ở một số nơi mắc phải...

Ba là, phải tổ chức, động viên, lôi cuốn được tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia Cuộc vận động, coi đó là nhân tố quyết định thành công.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi người. Ðạo đức là những chuẩn mực giá trị, được xã hội thừa nhận có tác dụng chi phối hành vi của mỗi người. Học tập đạo đức, mỗi người tự mình phải nhận thức đúng những chuẩn mực đó, để có hành động tự giác thực hiện, như là một nghĩa vụ cá nhân.

Ðạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức tự thân, tự giác, tự nguyện, "đối với tự mình phải cần kiệm, liêm chính" để đem lòng "chí công, vô tư đối với người, với việc". Ðộng cơ học tập, rèn luyện đạo đức trước hết phải hiểu là cho mình, cho gia đình mình, từ đó cho Ðảng, cho đất nước. Vì vậy chỉ có thể noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một khi mình tự giác học tập và làm theo.

Ðể làm tốt được công việc trên, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu Cuộc vận động, về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần làm rõ cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rõ tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh rất sâu sắc và toàn diện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc với đạo đức tiên tiến nhất của thời đại, đạo đức cách mạng. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất trong sáng, rất vĩ đại, nhưng rất gần gũi, cụ thể, gắn liền với cuộc sống và các mối quan hệ xã hội hằng ngày, ai cũng có thể học tập và noi theo.

Ðể tổ chức và vận động cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, cần rất quan tâm xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, thiết thực, gắn liền với nội dung công việc hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị.

Những tiêu chuẩn đạo đức đó cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ làm, ban hành gắn liền với những quy định, quy chế cụ thể, gắn trách nhiệm với quyền lợi, với lợi ích của mỗi cán bộ, công chức, qua đó phát huy vai trò tự giác của mỗi cá nhân và sự kiểm tra, giám sát của tập thể. Ðưa Cuộc vận động vào các công việc cụ thể hàng ngày là làm cho Cuộc vận động trở thành thực chất, khắc phục tình trạng phô trương, hình thức, như Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta.

Bốn là, quán triệt nguyên tắc "nêu gương" trong thực hành đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đã dạy chúng ta: Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; "muốn thuyết phục quần chúng, mình phải làm gương trước". Người yêu cầu: Ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên nêu gương cho quần chúng.

Thực hiện lời dạy trên đây của Bác, trước hết, các đồng chí Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải nêu cao vai trò gương mẫu, phải làm gương trước trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nêu gương trước là phải đi trước, làm trước. Trong phấn đấu phải tự đặt cho mình mức độ phấn đấu cao hơn, để tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân, như nhân dân mong muốn "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Ðó là yếu tố bên trong, có tính quyết định để tạo ra phong trào, đi tới thành công.

Ðể làm tốt hơn nữa công việc này, bên cạnh việc giáo dục thuyết phục, động viên thi đua, trong công tác tổ chức - cán bộ cần có những quy định cụ thể về chỉ tiêu phấn đấu của cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả đối với cán bộ lãnh đạo các cấp. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, sử dụng, đề bạt cán bộ trong toàn Ðảng, bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống chính trị theo những quy định chung, trong đó quan tâm đầy đủ đến tiêu chuẩn gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Năm là, phải huy động được toàn bộ hệ thống chính trị ở tất cả các cấp, các ngành tham gia Cuộc vận động. Trong thời gian qua, về cơ bản, chúng ta chưa huy động và phát huy vai trò, ưu thế của tất cả các thành viên trong hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế phối hợp giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức - cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa ở các cấp, các ngành trong thực hiện Cuộc vận động, do vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị ở từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Từ Trung ương tới cơ sở, chủ yếu vẫn giao việc cho cơ quan tuyên giáo; các cơ quan tổ chức - cán bộ, kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước các cấp chưa thực sự vào cuộc. Trong tuyên truyền, chưa huy động được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tham gia...

Nguyên nhân của tình hình trên, một phần do khi năm đầu triển khai Cuộc vận động cần dành nhiều thời gian cho việc tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhận rõ rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ chủ chốt của các ngành, các cấp chưa ý thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động, chưa thấy vai trò của Cuộc vận động trong công việc hằng ngày, trong lĩnh vực công tác mình phụ trách, nên còn chưa thực sự vào cuộc, còn cho rằng đó là công việc của ngành tuyên giáo hay của các cơ quan văn hóa, xây dựng Ðảng...

Ðể khắc phục tình trạng trên, các cơ quan Trung ương, bao gồm các ban đảng, đoàn thể, bộ, ngành chủ động tham mưu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo triển khai Cuộc vận động trong toàn bộ hệ thống chính trị, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Cần đưa kết quả thực hiện Cuộc vận động vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Ðể thực hiện việc này, vai trò và trách nhiệm của bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội là rất quan trọng.

Sáu là, coi trọng sự tham gia giúp đỡ của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức.

Ðể Cuộc vận động có kết quả, phải chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia góp ý của nhân dân cho cán bộ, đảng viên, công chức; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong lĩnh vực đạo đức, lối sống ở cơ quan, nơi cư trú và các sinh hoạt xã hội khác, nhất là với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thường xuyên có tiếp xúc với nhân dân trong công việc hàng ngày.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên. Chỉ có như vậy, Cuộc vận động mới có sức sống, thiết thực và hiệu quả. Trong công tác này, Trung ương cần có sự chỉ đạo, định hướng chung, tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của các ngành, địa phương để có cách làm phù hợp, hiệu quả.

Bảy là, thực hiện chương trình toàn khóa, năm 2008, cần tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, có những nội dung cụ thể, thiết thực.

Tiếp tục học tập, quán triệt, cụ thể hóa các nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm là học tập và làm theo tấm gương của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, gắn với sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X). Ðối với cán bộ, công chức, còn cần học tập, quán triệt nội dung tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Bác, gắn với thực hiện cải cách hành chính và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị theo các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X).

Trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện, làm theo trong các hành động cụ thể của mỗi người. Mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế, quy định, quy ước thực hiện, đặt các chỉ tiêu cụ thể, thiết thực, những giải pháp khả thi nhằm tạo ra những chuyển biến thực sự trong hành động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn hệ thống chính trị tham gia thực hiện Cuộc vận động, đưa các nội dung Cuộc vận động vào trong tất cả các hoạt động của các ngành, các cấp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo ra phong trào rộng lớn, liên tục và sâu sắc: Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ðẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt tăng cường tuyên truyền những tập thể, cá nhân tích cực, tự giác, gương mẫu, điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thể hiện qua việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị. Qua các phong trào thi đua, chọn lựa những gương người tốt, việc tốt, đơn vị làm tốt để biểu dương, khen thưởng.

Tám là, để tạo điều kiện cho các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo các cấp cần rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động để bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh, theo hướng trên cơ sở định hướng chung, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của ngành, địa phương. Trung ương tăng cường chỉ đạo điểm, thực hiện kiểm tra, đôn đốc và đầu tư nguồn lực cần thiết cho việc triển khai Cuộc vận động ở các ngành, địa phương.

PV - (Theo Nhân Dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm