Sẽ thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số Đảng bộ, chi bộ đặc thù

Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương thường sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất cụ thể hóa các điều khoản vốn ngắn gọn, cô đọng trong Điều lệ Đảng. Quy định 24-QĐ/TW được thảo luận, thông qua ở Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 7 là như vậy: quy định những vấn đề chung nhất, bao quát nhất để đảm bảo việc thi hành Điều lệ thống nhất trong toàn Đảng, trên cơ sở kế thừa, có sửa đổi bổ sung Quy định 29 của Trung ương khóa XII.

Theo tài liệu của Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu Quy định 24, liên quan đến hình thức tổ chức sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở, chi bộ, trong thực tiễn, có những tổ chức đảng mà đảng viên công tác, sinh sống ở các tỉnh, thành khác nhau, không dễ gì mỗi tháng một lần tập trung sinh hoạt định kỳ. Vì vậy, không ít chi bộ, thay vì sinh hoạt tập trung thì đã sáng tạo họp dưới hình thức trực tuyến. Hình thức này gần đây càng phổ biến, trong điều kiện phòng chống đại dịch Covid-19, cần hạn chế tối đa tập trung đông người.

Từ thực tiễn ấy, đồng thời hiện đại hóa công tác đảng vụ trong thời đại 4.0, BCH Trung ương bằng Quy định 24, giao Ban Bí thư hướng dẫn “thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số đảng bộ, chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt”.

Một buổi sinh hoạt trực tuyến của Chi bộ Văn phòng (trực thuộc Đảng bộ khối Văn phòng Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Bộ). Ảnh: Baobariavungtau.com

Một điểm mới nữa là trình độ học vấn của người vào Đảng phải phải thể hiện qua bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), không chấp nhận chứng chỉ “tương đương” như Quy định 29. Đây là sửa đổi nhỏ, do thực tế hiện nay hệ thống bằng cấp, chứng chỉ học vấn đã được chuẩn hóa theo Luật Giáo dục, không còn hình thức “tương đương” nữa.

Tại sao Trung ương vẫn không nâng điều kiện văn hóa của người vào Đảng lên cao hơn? Câu trả lời có thể tìm thấy từ Điều 1, Điều lệ Đảng CSVN. Theo đó, công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên là đã có thể làm đơn xin kết nạp Đảng. Ở tuổi này, vì nhiều lý do khác nhau, có thể có những trường hợp về học hành mới chỉ qua lớp 9, được cấp bằng tốt nghiệp THCS, rẽ sang học nghề hoặc đi làm kiếm sống. Trong số đó, có người trẻ tuổi, nhưng “qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm”, vậy thì hoàn toàn có thể xét nguyện vọng mà kết nạp vào Đảng. 

Một điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên Trung ương phân định rõ cấp có thẩm quyền trong việc quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và 5 đoàn thể chính trị - xã hội nòng cốt, gồm Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh.

Lâu nay vấn đề này chưa được quy định rõ, dẫn tới khó kiểm soát tổ chức, bộ máy khối các tổ chức này. Dẫn tới có nơi, có lúc biên chế, tổ chức bị phình to không tương xứng với hiệu quả hoạt động.

Để siết lại, Quy định 24 giao Bộ Chính trị quyết định với Ban Tổ chức Trung ương là đầu mối tham mưu, quản lý với cơ quan MTTQ và 5 đoàn thể chính trị  xã hội ở Trung ương. Còn ở cấp tỉnh thì do Ban Bí thư quy định và giao Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý…

Quy định 24 là văn bản quy định một số vấn đề chung trong thi hành Điều lệ. Các vấn đề chuyên sâu như giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng được BCH Trung ương các khóa quy định cụ thể bằng các văn bản riêng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm