PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Sẽ thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng

Trong phiên họp kéo dài 10 ngày này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào một loạt các dự án luật quan trọng như: Luật Tổ chức TAND, VKSND, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi)...

Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thảo luận về báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Tư pháp cho hay từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền là 68,5 tỉ đồng. Lực lượng CSĐT các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. VKSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội phạm nhũng…

Chính phủ đánh giá tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. “Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Về giải pháp phòng ngừa tham nhũng bằng hình thức minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN), báo cáo của Chính phủ cho hay trong năm 2013 có gần một triệu người đã kê khai TSTN. Qua kiểm tra phát hiện có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh TSTN, trong đó đã có một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai TSTN không trung thực và sáu người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch TSTN.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc công khai, kê khai bản TSTN không có tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Cũng theo ông Quyền, với cơ chế như hiện nay thì cho dù người ta không giải trình được tài sản thì cũng chưa có cơ chế gì để thu hồi được. “Thu hồi tài sản liên quan đến trát, có nghĩa là phải có quyết định của tòa án chứ cơ quan hành chính làm sao mà thu hồi được, chúng ta đang “tắc” vì chưa có cơ chế xử lý vấn đề này” - ông Quyền cho hay.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm