Sẽ gỡ vướng công chứng, chứng thực

Một trong số những nội dung chính của hội nghị lần này là thảo luận chuyên đề về lĩnh vực công chứng, chứng thực; thực trạng và giải pháp đẩy mạnh giải quyết vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng.

Báo cáo của Bộ Tư pháp thừa nhận chất lượng chứng thực, nhất là chứng thực các giao dịch, hợp đồng của UBND các cấp chưa cao. Tình trạng các giao dịch, hợp đồng đã được UBND chứng thực nhưng bị tuyên vô hiệu vẫn còn. Việc áp dụng cứng nhắc cơ chế một cửa trong hoạt động chứng thực tỏ ra không phù hợp. Áp dụng máy móc các quy định về thẩm quyền thực hiện công chứng, chứng thực giữa cơ quan công chứng và UBND, giữa UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã gây khó khăn cho người dân. Tình trạng cấp giấy tờ hộ tịch tùy tiện, cấp bản sao không có sổ gốc, ghi thiếu thông tin trên các giấy tờ hộ tịch... xảy ra ở nhiều nơi.

Báo cáo đánh giá: “Chủ trương phân cấp mạnh cho cấp xã thực hiện một số hoạt động hành chính tư pháp là đúng nhưng do điều kiện thực hiện chưa được chuẩn bị kỹ nên đã phát sinh nhiều vướng mắc do đội ngũ cán bộ tư pháp xã quá mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau”.

Bộ Tư pháp nhận lỗi về việc nhiều quy định chưa rõ ràng, trong khi việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm như phân định thẩm quyền công chứng, chứng thực một số hợp đồng, giao dịch giữa phòng công chứng và UBND; thẩm quyền chứng thực giữa UBND cấp huyện và UBND cấp xã; tiêu chuẩn người dịch tài liệu giấy tờ, danh sách cộng tác viên dịch thuật, mức phí, lệ phí chứng thực... Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng nhiều cán bộ tư pháp địa phương còn thụ động trong giải quyết công việc, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, không dám làm và dám chịu trách nhiệm, áp dụng pháp luật máy móc, đặc biệt là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hướng dẫn, giải thích cụ thể của cấp trên khá nặng nề...

Theo báo cáo của Bộ, tính đến 31-10-2007, toàn quốc còn gần 350 ngàn việc thi hành án tồn đọng, chiếm 55% tổng số việc phải thi hành. Trong đó, hơn 97 ngàn việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong. Đến nay vẫn còn 14 cơ quan thi hành án dân sự chưa có thủ trưởng cơ quan và 22 cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện chỉ có một chấp hành viên. Năm 2007, số cán bộ thi hành án bị kỷ luật là 36 người, trong khi năm 2005 là 25 người.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm