Quyết liệt chống tội phạm có tổ chức

“Các tổ chức tội phạm luôn tạo vỏ bọc kín, hợp pháp để chỉ huy hoạt động phạm tội như phụ trách nhà hàng, khách sạn, tổ đội lao động, công ty doanh nghiệp, thậm chí là các tổ chức từ thiện để công khai tạo uy tín. Đặc biệt các tổ chức tội phạm đang móc nối với một số cán bộ, nhân viên nhà nước biến chất để lôi kéo, giúp đỡ, tạo điều kiện che chắn hoạt động phạm tội hoặc chạy tội”. Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, khẳng định tại Hội nghị tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức sáng 6-12 tại TP.HCM do Bộ Công an tổ chức.

Tội phạm có tổ chức tăng

Theo thống kê của Bộ Công an, trong ba năm (2010 đến nay), toàn quốc triệt phá  gần 12.580 ổ nhóm với gần 42.000 đối tượng. So với ba năm trước đó, tăng 10,5% về số vụ và gần 13% đối tượng.

Các ổ nhóm bị triệt phá chiếm tỉ lệ cao là trộm cắp chuyên nghiệp (hơn 37%), côn đồ hung hãn (18,7%). Ngoài ra, công an đã triệt phá gần 19.000 sới bạc và cá độ bóng đá

Trong số các chuyên án, công an đã triệt phá các băng nhóm cộm cán như Tú “khỉ” (Hưng Yên); Hùng “máu”, Vi “ngộ” (Thanh Hóa); Tộ “tích” (Hải Phòng), Cường “tỉnh”, Đức “vẩu” (Bắc Ninh); Mười Thu (Bình Dương); Tý “điên” (TP.HCM); băng giết, cướp tiệm vàng do Lê Anh Kiệt cầm đầu; chuyên án cá độ bóng đá xuyên quốc gia qua mạng quy mô cực lớn qua trang mạng M88 và 188ibet.com…

Quyết liệt chống tội phạm có tổ chức ảnh 1

Bộ trưởng Trần Đại Quang (giữa) tại hội nghị sáng 6-12. Ảnh: AN

Theo Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, các ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, chuyên nghiệp cao trong một khoảng thời gian nhất định. Các ổ nhóm này luôn có xu hướng mở rộng tổ chức tội phạm và phạm vi ảnh hưởng.

“Những năm tới, tội phạm có tổ chức sẽ diễn biến phức  tạp, nổi lên là các hoạt động phạm tội cướp ngân hàng có vũ khí, tội phạm tài chính-tiền tệ, công nghệ cao, ma túy, cờ bạc… đan xen. Đặc biệt, các tổ chức tội phạm liên kết chặt chẽ với nhau giữa các vùng, lĩnh vực và câu kết cán bộ nhà nước thoái hóa biến chất để che chắn hoạt động phạm tội và chạy tội…” - Thiếu tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, nhận định.

Lập ban chỉ đạo để chống tội phạm có tổ chức

Bức tranh mà Bộ Công an chỉ ra như trên có rất nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm, tín dụng đen hoạt động mạnh kéo theo việc đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật tình trạng xuống cấp về đạo đức, tác động của văn hóa phẩm đen… Cạnh đó, các biện pháp bảo đảm cho hoạt động của người thi hành công vụ chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với thực tế nên lực lượng có nơi, có lúc chưa quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một số cán bộ, chiến sĩ công an chưa chú trọng đấu tranh tội phạm, thậm chí làm ngơ, bảo kê.

Hội nghị cũng chỉ ra nguyên nhân của tội phạm có tổ chức gia tăng là do công tác nắm tình hình của công an các cấp cơ sở còn hạn chế, buông lỏng. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến đấu tranh chống tội phạm có tổ chức mà chạy theo báo cáo thành tích; công tác quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn nhiều lỏng lẻo, quản lý, thu hồi vật liệu nổ còn nhiều bất cập… tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

Tại hội nghị, Bộ Công an công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức (Ban Chỉ đạo) do Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương làm trưởng ban, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, làm phó Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo này sẽ thay thế cho Ban Chỉ đạo về đấu tranh với tội phạm có tổ chức gây án nghiêm trọng, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại 18 địa phương trọng điểm (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang). Trong đó công an sẽ tập trung đấu tranh ở 10 địa bàn có nhiều băng nhóm.

Bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang:

TP.HCM cần đẩy mạnh chống tội phạm có tổ chức

“Tôi đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của TP.HCM. Với vai trò đầu tàu của đất nước, Công an TP.HCM cần quyết liệt đẩy mạnh công tác tấn công tội phạm, đặc biệt chú trọng tội phạm có tổ chức, giữ vững trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung”. Chiều 6-12, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại buổi kiểm tra công tác năm 2013 của Công an TP.HCM.

Trước đó, Công an TP.HCM có báo cáo với bộ trưởng công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2013. Theo đó, trong năm 2013 công an ghi nhận xảy ra 6.218 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 133 người, bị thương 758 người, thiệt hại tài sản khoảng 90 tỉ đồng. Khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 93%. Công an cũng phá gần 840 băng nhóm, bắt giữ 2.124 đối tượng.

Tại buổi kiểm tra, Bộ Công an cũng lưu ý Công an TP.HCM cần xem xét giải quyết tình trạng người cai nghiện, phạm nhân hồi gia tái phạm; quản lý vật liệu nổ, vũ khí vì từ đầu năm đến nay TP.HCM xảy ra 19 vụ nổ lớn, nhỏ…

ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm