Quyền im lặng: Đại biểu công an lo bị bó tay

Ngay giữa Ban Soạn thảo và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp có nhiều quan điểm trái nhau 180 độ (theo lời Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch).

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bình luận dự luật mới hình như “hơi dung túng cho tội phạm” khi đưa vào nhiều điều có lợi cho tội phạm. “Các cơ quan tư pháp trước hết là đấu tranh chống tội phạm giữ bình yên cho 90 triệu dân. Với thiểu số người có hành vi nguy hiểm chống lại sự bình yên thì không được dung túng” - vị ĐB này nói.

Theo ông Đương, việc quy định “quyền im lặng” của người phạm tội là không đúng. Khi im lặng là lúc chưa có luật sư. Còn im lặng, không khai là bất lợi. “Ở đây phải hiểu là bị cáo được tự do khai báo, không bị ép cung, bức cung, nhục hình” - ông Đương nói.

Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, khẳng định “quyền im lặng rất vô nghĩa” và “hoàn toàn không phù hợp” với điều kiện nước ta hiện nay, khi trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế. Ông Xuyên lo ngại quy định này sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.

Tương tự, Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng: “Bị can, bị cáo không bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo”.

“Tôi không đồng tình với anh Đương, tôi không nghĩ rằng dự thảo này là dung túng tội phạm” - cũng tại tổ TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch lại có quan điểm trái ngược với ĐB Đương.

“Chúng ta đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này mà không cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là chúng ta có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không. Cái chính là anh phải chứng minh là tôi có tội. Còn cách nào đó là thuộc về anh. Chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan chấp pháp, trọng chứng chứ không trọng cung. Nhiều vụ vì coi thường chứng cứ dẫn đến oan… Thay đổi này rất khó. Nhưng chúng ta phải thay đổi, phải nâng cao năng lực để làm việc đó” - ông Lịch nói.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ ủng hộ cách thể hiện của dự thảo. Ông Độ đề xuất Bộ luật Tố tụng Hình sự cần khẳng định rõ người không nhận tội hoặc không khai báo thì không được coi đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, gây bất lợi cho họ.

Theo ĐB Đương, quy định về ghi âm, ghi hình để chống lại bức cung nhục hình là “lạc quan tếu”. “60% là phạm pháp quả tang thì ghi âm, ghi hình để làm gì? Nếu là điều tra viên thì ai dại gì ghi âm, ghi hình lúc đang dùng nhục hình. Tôi cho rằng cái này là tốn kém, rườm rà không cần thiết. Quan trọng nhất là cái tâm của điều tra viên, có một số trường hợp là do nôn nóng chứ không phải ai cũng vậy” - ông Đương nói.

“Không nên ghi điều này trong luật bởi vì nó không cần thiết với tất cả trường hợp” - Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng quan điểm với ông Đương. Cạnh đó, ông Hiếu cho rằng thực tế cũng không đủ điều kiện, nếu huyện nào cũng đòi camera, ghi âm.

“Ghi âm, ghi hình nói là khó khăn thì tôi không tán thành. Chỉ một chiếc điện thoại bây giờ cũng làm được. Vậy thì đừng lấy lý do đó để trì hoãn việc này” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng phản bác.

Để chống bức cung, nhục hình, bên cạnh quy định về việc ghi âm, ghi hình, ông Trần Văn Độ đề xuất phải có mặt người bào chữa và kiểm sát viên khi lấy lời khai. “Tòa độc lập và xét xử công khai nhưng VKS lúc nào cũng có mặt. Vì vậy đề nghị quy định VKS phải có mặt trong toàn bộ quá trình điều tra. Sau này có bức cung, nhục hình, có oan thì điều tra viên, kiểm sát viên đều phải chịu trách nhiệm” - ông Độ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm