Quốc hội: Ý kiến khác nhau về tăng học phí

Phần lớn thời gian hôm qua (9-6) Quốc hội (QH) đã thảo luận các nội dung của Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008-2012.

Học phí đại học quá cao

Ông Võ Đình Tuyến (Bình Phước) cho rằng đề xuất tăng khung học phí đối với đại học từ 180 ngàn đồng hiện nay lên 500-800 ngàn đồng/tháng vào năm 2014 với các lý do trong đề án là chưa có sức thuyết phục.

“Học sinh ở các tỉnh xa đến thành phố học đại học chi phí ăn, ở, đi lại và học phí mỗi tháng tối thiểu cũng phải 2,5 triệu đồng. Trong khi bình quân thu nhập của một công nhân một triệu đồng/tháng, cán bộ, công chức cũng chỉ hai triệu đồng. Như vậy thu nhập của một hộ gia đình cũng đã dành trọn cho học sinh đi học, nếu có hai em đi học thì càng hết sức khó khăn” - ông Tuyến phân tích.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh chia sẻ: Ở Đại học Y Dược, sinh viên phải đóng 800.000 đồng là quá cao so với điều kiện kinh tế của đa số người dân hiện nay. Theo tôi, nên thống nhất nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà trường và người học tương ứng với chất lượng đào tạo và nhóm ngành đào tạo. Nhà nước quyết định trần học phí và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) căn cứ chất lượng của từng trường để quyết định mức thu của trường đó.

Nhiều đại biểu cho rằng đề xuất mức học phí học nghề xấp xỉ với hệ đại học là không hợp lý, nhất là khi chúng ta đang chủ trương phân luồng đưa một bộ phận đáng kể học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông sang học nghề để đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật.

Miễn học phí hệ mầm non?

Ông Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói: “Bộ nêu số liệu làm cho đại biểu phát hoảng. Nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học, số học sinh mầm non mới dự kiến sẽ là sáu triệu em. Để đưa số em này đến trường, nhà nước phải chi 5.360 tỷ đồng một năm, sẽ không còn ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề công lập”. Vì vậy, đề án vẫn quy định thu học phí ở bậc học này. “Như vậy, một lần nữa Bộ GD&ĐT lại nói không với bậc học mầm non” - ông Cuông nói.

Ông Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị Bộ nên nghiên cứu đề xuất với QH về chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với bậc học này theo hướng nên miễn học phí như bậc tiểu học.

Đề án chưa chín muồi?

Ông Cuông nói rằng “không hiểu tại sao nhiều báo cáo của Bộ GD&ĐT thường hay so sánh nước ta với các nước có tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức. Tờ trình rất khập khiễng, một chiều khi dẫn chứng năm 2006 bình quân cho một học sinh, sinh viên của nước ta chỉ bằng 1/10 của Đức và Nhật, bằng 1/16 của Mỹ nhưng lại không so sánh GDP bình quân đầu người của họ cao gấp mấy chục lần nước ta”.

Ông Huỳnh Nghĩa phân vân: Một đề án tác động đến hàng chục triệu gia đình có con em đi học từ mẫu giáo đến bậc đại học. Nhiều đại biểu QH và cử tri băn khoăn, lo lắng liệu đề án này đã chín muồi hay chưa. Tại sao trong thời điểm lạm phát, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay thì Bộ GD&ĐT lại trình ra dự án đổi mới cơ chế tài chính, thực chất là tăng học phí?

Ông Cuông và ông Nghĩa cũng cho rằng Bộ GD&ĐT lúng túng và thiếu tự tin nên mới đề nghị giám đốc 63 Sở GD&ĐT và hiệu trưởng hơn 100 trường đại học có ý kiến “vận động hành lang” tới dư luận và các đoàn đại biểu QH nhằm đạt được sự ủng hộ đề án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi đề xuất: “Chủ trương của Chính phủ thì rất đúng nhưng nội dung của đề án thì lại không thể nào đảm bảo được điều mà ta đặt ra. Theo tôi, chủ trương là đồng ý nhưng đề án thì không. cho nên, đề nghị Chính phủ cần xem xét chuẩn bị lại đề án”.

“Đồng tình”

Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt tán thành mục tiêu tổng quát của đề án vì cho rằng nó sẽ tạo điều kiện học tập nhiều hơn cho người học với chất lượng ngày càng cao hơn: “Học phí không quá 6% thu nhập không bao giờ là gánh nặng của các gia đình. Điều làm chúng ta yên tâm là người nghèo được quan tâm, số người được miễn giảm tăng lên, con em nhà nghèo có điều kiện đến trường”. Tuy nhiên, ông yêu cầu Bộ GD&ĐT cần có biện pháp rõ ràng để thúc đẩy chất lượng và cần khẳng định với xã hội là chất lượng tăng lên khi học phí tăng lên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đây không phải là đề án của Bộ GD&ĐT mà là đề án của Chính phủ, đã bàn bạc hai lần ở thường trực Chính phủ và hai lần ở Chính phủ, sau đó trình Bộ Chính trị. Quan điểm vẫn là làm cho số người đi học tăng thêm và chất lượng giáo dục tăng thêm. “Sự đóng góp không gây quá tải cho người dân” - ông khẳng định. Về cơ sở để xác định mức học phí là 6% thu nhập, ông Nhân giải thích: Chúng tôi tính không quá 6% thì như vậy các địa phương sẽ căn cứ vào đó, có nơi sẽ chọn 4,5%, có nơi sẽ chọn 5% tùy điều kiện từng địa phương và sẽ không có chuyện gây gánh nặng cho phụ huynh.

QH sẽ quyết định vấn đề này vào cuối kỳ họp. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: QH chỉ ra nghị quyết định hướng một số cơ chế tài chính giáo dục chứ không ra nghị quyết về đổi mới tài chính giáo dục, QH chỉ quyết chủ trương, còn cụ thể thế nào thì Chính phủ sẽ tính toán.

GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Nói không tăng chất lượng là thiếu trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM rằng các đại biểu QH yêu cầu Bộ GD&ĐT hứa là tăng học phí thì phải tăng chất lượng nhưng tại phiên thảo luận tổ đại biểu TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói là ông không dám hứa tăng học phí thì tăng được chất lượng. Ông bình luận gì về câu trả lời này? GS Đào Trọng Thi nói:

Tôi cho rằng câu trả lời đó không thể hiện tinh thần trách nhiệm. Anh đề nghị tăng học phí trong khi với trách nhiệm của anh là với việc tăng học phí thì phải tăng chất lượng lên thì không dám hứa. Tôi cho rằng ngành giáo dục hoàn toàn có thể đưa ra cơ chế thực hiện một cách minh bạch, công khai và có thể quản lý chất lượng. Theo tôi là cần nhấn mạnh chuyện thu học phí cao lên như là động lực mới, như là đòn bẩy để nâng cao chất lượng bằng cách gắn chất lượng đào tạo với mức thu học phí. Muốn thu học phí cao thì phải có chất lượng cao hơn. Mà anh muốn có chất lượng cao hơn thì anh phải đầu tư vào những điều kiện để nâng cao chất lượng. Đó chính là hiệu quả lớn nhất mà đề án này mang lại. Chứ nếu nói mình tăng lên mà không hứa gì về chất lượng thì không thỏa đáng giữa người học và nhà trường.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm