Quốc hội mất quyền kiểm soát các siêu dự án?

Tâm lý ấy cũng phản ánh những lo ngại của ĐB dân cử trước hàng loạt vấn đề hệ trọng: rừng bị tàn phá, buông lỏng việc cho nhà đầu tư ngoại thuê đất rừng nơi xung yếu, những siêu dự án chưa chắc chắn hiệu quả kinh tế-xã hội

Tăng vốn QH không biết

Theo dự thảo, có nhiều tiêu chí để phân loại công trình phải được QH phê duyệt chủ trương. Cụ thể, về quy mô vốn, trước đây 20.000 tỉ đồng đã phải trình QH, nay dự thảo nâng lên 35.000 tỉ đồng. Con số này, về cơ bản các ĐB tán thành. Chỉ còn cách tính là có ý kiến khác nhau, chẳng hạn ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị lấy tiêu chí quy mô vốn theo tỉ lệ trên GDP, chẳng hạn 2%, “khỏi lo trượt giá lại phải sửa nghị quyết”.

Tuy nhiên, khái niệm “cụm công trình” xem ra chưa rõ ràng. ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, lấy ví dụ: “Như đồ án quy hoạch Hà Nội, trong đó có rất nhiều công trình, dự án tỉ đô. Chẳng biết có ai trình QH không nữa. Hay như dự án đường sắt cao tốc, giờ QH duyệt chủ trương, tới đây làm đoạn này đoạn kia có trình nữa không?”.

Thực tiễn cho thấy có những siêu dự án như lọc dầu Dung Quất chẳng hạn, tổng vốn đầu tư QH duyệt một nhưng thực tế triển khai đội giá gấp đôi mà QH chẳng thể can thiệp. Vì vậy, lần sửa đổi này bổ sung ba trường hợp dự án đã được duyệt chủ trương nhưng trong quá trình triển khai, Chính phủ phải báo cáo tiếp QH: thay đổi mục tiêu; vốn bị đội lên 20% và dự án bị kéo dài hơn dự kiến một năm trở lên. Tuy vậy, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chưa yên tâm: “Đường sắt cao tốc tổng đầu tư 56 tỉ USD. Chả lẽ triển khai phải tăng thêm 11 tỉ USD, tức 20% thì mới báo cáo QH? Tôi đề nghị tiêu chí này phải phân nhỏ theo quy mô từng dự án”.

Quốc hội mất quyền kiểm soát các siêu dự án? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kontum Lê Quang Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Mở tiếp lỗ hổng cho phá rừng?

ĐB Nguyễn Đình Xuân chỉ ra một khe hở trong quy định hiện hành: hạn chế phá rừng đặc dụng nhưng lại thiếu kiểm soát chuyển đổi từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất. Dự thảo mới chưa bịt khe hở này thì lại mở ra lỗ hổng khác: chuyển đổi mục đích sử dụng trên 1.000 ha rừng thì phải hỏi QH nhưng lại loại trừ trường hợp “trồng cao su và cây nguyên liệu”. Theo ông Xuân, đồi trọc thì trồng gì cũng tốt, song đã là rừng tự nhiên dù là rừng nghèo cũng kiên quyết giữ. Ý kiến này được nhiều ĐB ủng hộ.

Về dự án đầu tư ra nước ngoài, dự thảo nghị quyết nới rộng hơn quyền chủ động cho Chính phủ nhưng ông Xuân đề nghị QH thận trọng. Dẫn lại chuyện Việt Nam Airlines bị kiện ở Ý và tòa án nước này đã phong tỏa tài sản của Chính phủ, ông Xuân yêu cầu giữ nguyên tiêu chí, tức quy mô đầu tư ra nước ngoài 35.000 tỉ đồng nhưng cứ có 10% vốn nhà nước là Chính phủ phải báo cáo.

Không tán thành, ĐB Trần Du Lịch cho rằng với dự án đầu tư ra nước ngoài, QH chỉ nên quan tâm tới hiệu quả của phần vốn mà nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước góp vào. Vì vậy, việc quyết định chủ trương với dự án đầu tư ra nước ngoài phải có tiêu chí, nội dung khác với dự án trong nước.

NGHĨA NHÂN

Vì sao thanh tra “đầu voi, đuôi chuột”?

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 14-6, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng các vụ việc thanh tra trong phạm vi quản lý của thủ trưởng cơ quan hành chính, “do sợ mất thành tích, thậm chí bao che, dính líu đến sai phạm, đã can thiệp vào quá trình thanh tra, các kiến nghị không được xử lý nghiêm… tạo ra sự lộn xộn, triệt tiêu hiệu lực, hiệu quả của thanh tra”.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) thẳng thắn nói: Việc thủ trưởng cơ quan hành chính ký kết luận thanh tra là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong khi không trực tiếp thanh tra, nắm vững tình tiết vụ việc…

Theo các ĐB, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra theo luật hiện hành chỉ là “người giúp việc” cho thủ trưởng cơ quan hành chính, lệ thuộc hoàn toàn về nhân sự, tiền bạc, kết luận thanh tra do thủ trưởng cơ quan hành chính ký.

Các ĐB kiến nghị giao cho cơ quan thanh tra được chủ động trong lập chương trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra được ký kết luận thanh tra, được quyền đưa ra các kiến nghị xử lý tới cơ quan có thẩm quyền…

Lo ngại từ những dự án vùng biên ải

Đoàn giám sát của QH về an ninh, quốc phòng vùng biên phát hiện một dự án thủy điện nằm ngay sông biên giới ở Gia Lai, nơi Việt Nam-Campuchia chưa cắm mốc, chưa ký hiệp định. Nếu đắp đập, dự án này sẽ gây ngập hơn 1.000 ha rừng hai nước, còn đường tuần tra biên giới của Việt Nam sẽ phải lùi vào vài cây số. Sau khi có ý kiến phản đối từ phía QH, Chính phủ đã quyết định dừng dự án này.

Tương tự, một dự án sân golf được triển khai vắt ngang biên giới Việt Nam-Campuchia ở Tây Ninh. Công trình này được Thủ tướng hai nước ủng hộ, lấy tên là công trình hữu nghị. Tuy nhiên, trên thế giới, những công trình như vậy dù là rất hòa bình hữu nghị, QH vẫn phải cho ý kiến. Vì vậy, đề nghị bổ sung dự thảo một câu: “Những dự án nằm trên đường biên giới mà có ảnh hưởng quan hệ hai nước thì phải trình QH”.

Ông LÊ QUANG BÌNH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH

V.TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm