Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nền kinh tế nước ta không phụ thuộc nước nào”

Chiều 12-6, tại buổi đăng đàn ở phiên chất vấn cuối cùng của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra đề cập tới nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trong đó thời sự nhất là khắc phục những bất cập trong mối quan hệ với Trung Quốc (TQ).

Có thể là cơ may trong đại họa

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá kinh tế nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào người láng giềng khổng lồ nhưng xấu bụng. “Sau mỗi lần va chạm, nhất là tới sự kiện giàn khoan 981 này, vấn đề cần giải quyết là làm sao thoát khỏi bóng của TQ?” - ĐB Thuyền đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế nước ta không phụ thuộc vào nước nào. “Tôi có đủ tài liệu, căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong thế giới phẳng, chắc không có nền kinh tế nào là độc lập hoàn toàn cả” - ông nói.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng thừa nhận TQ là thị trường lớn và có kim ngạch thương mại lớn với Việt Nam. Để đảm bảo sự cân bằng, giảm rủi ro, từ nhiều năm nay Chính phủ đã theo đuổi đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) gồm cả song phương, đa phương. Đây là giải pháp tốt nhất để mở rộng các thị trường, quan hệ thương mại với các khu vực trên thế giới.

Theo cách ấy, đến nay Việt Nam đã có sáu FTA lớn và dự kiến đến 2015 sẽ có tổng cộng 16 FTA các loại với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhóm 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật, Canada... “Nhưng dù thế nào Việt Nam vẫn chủ trương giữ quan hệ làm ăn hợp tác với TQ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi”.

Cùng chủ đề này, ĐB Nguyễn Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự tán thành với các giải pháp đấu tranh của Chính phủ với phía TQ. “Cờ Tổ quốc đang tung bay khắp thế giới, thể hiện chính nghĩa của Việt Nam. Đây có thể là cơ may của quốc gia trong đại họa, là cơ hội trong thách thức. Vậy Chính phủ có giải pháp nào nắm bắt, phát huy cơ hội ấy?”.

Đáp lời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính nghĩa bao giờ cũng được bảo vệ và chắc chắn sẽ chiến thắng. Việt Nam kiên trì mọi biện pháp đấu tranh qua đường ngoại giao cũng như trên thực địa và tiếp tục tính toán các giải pháp phù hợp khác. Trong hoàn cảnh này, Việt Nam càng phải chủ động phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, qua đó củng cố niềm tin cho cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Tại sao nhiều cán bộ về hưu phát lộ tài sản khủng?

Ở chủ đề đối nội, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhắc lại nhận định trong báo cáo của Chính phủ rằng trật tự an toàn xã hội chưa được an tâm, tham nhũng chưa được đẩy lùi. Tình hình ấy gây nhiều lo lắng, bất an cho nhân dân. “Phụ trách những lĩnh vực chủ chốt này, Phó Thủ tướng có giải pháp gì?”.

Tới phần trả lời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng năm qua công tác phòng, chống tội phạm đã đạt nhiều kết quả. Tỉ lệ phá án hình sự luôn đạt trên 74%. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thì cần phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải cùng vào cuộc chứ không thể khoán trắng cho ngành công an. “Phải chuyển hóa địa bàn tội phạm hoành hành, nơi nào để như vậy thì cấp ủy mà trước hết là trưởng công an phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Phúc - người giữ cương vị phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhắc lại kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, tại hội nghị toàn quốc hôm 5-5 rằng công tác PCTN thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, song tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp.

“ĐB Tiến chất vấn về PCTN nhiều lần rồi nhưng giờ tôi phải nhắc lại là chúng ta cần kiên trì các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh công tác chống tham nhũng. Như Tổng Bí thư kết luận là làm sao để không muốn, không thể, không dám tham nhũng...” - ông Phúc nói.

Chưa thỏa mãn, ĐB Tiến đặt tiếp chất vấn: “Xin hỏi thêm việc kiểm tra, công khai bản kê khai tài sản thế nào mà để nhiều cán bộ cấp cao tới khi về hưu liền phát lộ những khối tài sản lớn bất ngờ?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời rằng về phía Chính phủ đã ban hành hai nghị định về trách nhiệm giải trình và kê khai tài sản. Tuy nhiên, việc triển khai ở các cấp quả thật còn chưa tốt. Còn làm thế nào để phát hiện tài sản che giấu của cán bộ thì chỉ có cách phải thanh tra, kiểm tra. “Chúng tôi mong người dân tiếp tục đóng góp tai mắt để giám sát, phát hiện tốt hơn”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm