Phiên chất vấn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội: Giải trình thêm về bô-xít, chủ quyền biển đảo

Hai dự án bô-xít: Nhà thầu Trung Quốc chỉ thiết kế, xây dựng

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại trữ lượng bô-xít nước ta khoảng 5,5 tỷ tấn, vào hàng đầu thế giới, nếu khai thác như quy hoạch của Chính phủ thì phải 100 năm mới hết, còn chỉ sử dụng trong nước, không xuất khẩu thì thời gian khai thác dài hơn nữa. Phó Thủ tướng khẳng định khai thác bô-xít là chủ trương nhất quán của Đảng từ cả chục năm nay. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xây dựng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. “Theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch” - Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, dự án Tân Rai và Nhân Cơ đang triển khai là Việt Nam tự đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Phó Thủ tướng nói: “Tập đoàn công nghiệp nhôm của Trung Quốc trúng thầu thiết kế, xây dựng. Đến đầu tháng này, trên hai công trường có 663 công nhân Trung Quốc, bốn công dân Úc làm việc, được quản lý theo pháp luật Việt Nam. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam sẽ trở về nước”.

Không thỏa mãn với giải trình bô-xít quá ngắn gọn, ít thông tin, đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: “Nói như Phó Thủ tướng, Quốc hội không yêu cầu trình dự án thì là lỗi của Quốc hội. Nhưng nhiều đại biểu lại cho rằng Chính phủ chia nhỏ dự án để khỏi phải trình Quốc hội. Quan điểm của Phó Thủ tướng thế nào?”. Phó Thủ tướng đáp: “Tôi không dùng từ nào đổ lỗi như đại biểu vừa hỏi”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành, vùng... đã được Quốc hội phân cấp trong luật. Theo đó, bô-xít là ngành hẹp trong lĩnh vực công nghiệp, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chỉ lập quy hoạch chung, trên cơ sở đó triển khai từng dự án thì mới đảm bảo quy trình, chất lượng. “Tư duy của Chính phủ là quy hoạch nào chưa hoàn chỉnh thì làm cho hoàn chỉnh. Dự án nào chưa chu đáo thì làm cho chu đáo. Chính phủ nhận thấy trách nhiệm phải làm tốt hơn, vì nước, vì dân”.

Cần công khai vùng biển tranh chấp

Phiên chất vấn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội: Giải trình thêm về bô-xít, chủ quyền biển đảo ảnh 1Giữa phiên chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc nhắc đến vấn đề biển Đông. Ông nói: “Người dân không biết hiện nay vùng tranh chấp là như thế nào trong khi chính quyền khuyên ngư dân đừng ra đánh cá ở nơi tranh chấp. Chúng tôi cũng không thể trả lời các cử tri khi họ hỏi rằng nội dung Chính phủ trình lên Liên Hiệp Quốc về vùng lãnh hải của chúng ta ra sao. Cho nên chúng tôi rất muốn Phó Thủ tướng cho biết”...

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời trong các vấn đề biên giới, ta đã giải quyết cơ bản vấn đề trên bộ. “Đó là một thành công bước đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng bảo vệ chủ quyền và an ninh đất nước. Chúng ta cứ nói là có biên giới hòa bình, hữu nghị nhưng biên giới ở đâu phải cắm mốc ra thì mới hòa bình và hữu nghị. Chứ còn vùng ông nói của ông, tôi nói của tôi thì làm sao hòa bình, hữu nghị”.

Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng khẳng định đã giải quyết tốt vùng vịnh Bắc bộ, gồm cả phân giới, xây dựng hiệp định nghề cá, tuần tra chung, giải quyết những vấn đề của ngư dân. Vùng biển còn lại sẽ tiếp tục hợp tác đấu tranh trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền về biển đảo, trong đó Chính phủ vừa gửi báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa đến Liên Hiệp Quốc. Phó Thủ tướng nói thêm: “Tôi cũng mong các đồng chí quan tâm đọc kỹ thêm Công ước 1982 về Luật Biển để chúng ta tạo một tinh thần nhất quán... Đấy cũng là cách công khai, minh bạch với thế giới rằng ta thực thi luật pháp quốc tế về biển, trong đó có vấn đề chủ quyền của chúng ta”.

Vì sao nhiều dự án không được đồng tình cao?

Phiên chất vấn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội: Giải trình thêm về bô-xít, chủ quyền biển đảo ảnh 2Trong buổi chất vấn cuối cùng sáng qua, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nêu ra một loạt câu hỏi và đề nghị “có thể nhạy cảm nhưng mong Phó Thủ tướng trả lời thẳng thắn”.

Thứ nhất là vì sao gần đây có nhiều đề án, dự án của Chính phủ hoặc của một số địa phương không nhận được sự đồng tình cao trong xã hội, thậm chí gây phản ứng gay gắt từ một số bộ phận cử tri? Vì xây dựng các dự án, đề án ấy có phần chủ quan hay vì không thực hiện kịp thời công khai thông tin khiến người dân thiếu niềm tin vào tính khách quan, vô tư của các đề án, dự án ấy?

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết đóng góp ý kiến chính là thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, không nên coi đấy là những việc không đồng thuận. Có những dự án sai, Chính phủ phải sửa, các tỉnh phải sửa hoặc ngành phải sửa.

Thứ hai là gần đây, nhiều cơ quan của Chính phủ đưa ra những dự báo rất sai với thực tế. Ông Thuyết nói: “Cách đây hơn một năm tôi có nghe anh Hùng bảo “Chứng khoán sau thời gian trượt dốc dài, bắt đầu có le lói màu xanh trở lại, nếu tôi có tiền, tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán”. Nhưng ngay sau khi Phó Thủ tướng nói thì thị trường chứng khoán xuống thủng đến mấy lần đáy, suốt năm trời giờ mới bắt đầu le lói màu xanh. Tôi xin hỏi ý kiến đó của Phó Thủ tướng để khích lệ các nhà đầu tư hay dựa trên một kết quả dự báo?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời: “Thì đúng là tôi nói mua nhưng loại là lướt sóng, loại kia là mua cổ phần đầu tư dài hạn. Tôi mà mua là đầu tư dài hạn, khuyến khích đầu tư dài hạn... (cười). Nếu năm ngoái mua thì bây giờ khá đấy nhưng không có tiền để mua thôi. Nhân đây tôi cũng báo cáo với Quốc hội là gần đây thị trường chứng khoán có phát triển ấm lên nhưng đang theo hướng đầu tư lướt sóng”.

Bội chi ngân sách còn 7% GDP

Giải trình thêm ý kiến của các đại biểu về việc cần siết chặt mức bội chi ngân sách, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết những ngày qua, Chính phủ đã cập nhật tình hình kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là biến động giá dầu thô. Chính phủ nhận định giá dầu thô có xu hướng tăng, bù đắp được một phần hụt thu ngân sách. Mặt khác, cân nhắc các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, đề phòng tái lạm phát, Chính phủ xin rút đề xuất điều chỉnh bội chi 8% còn khoảng 7%. Tùy tình hình thực tế, Chính phủ sẽ điều hành mức bội chi thấp nhất và giảm dần trong các năm tiếp theo.

Các vấn đề chất vấn đã rõ: Chính phủ cần thực hiện dứt điểm

Kết luận về hai ngày rưỡi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các thành viên Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ông nói: “Quốc hội và cử tri mong Chính phủ, các vị bộ trưởng tập trung dứt điểm một số vấn đề đã rõ, hạn chế tình trạng để chất vấn đi, chất vấn lại nhiều lần”. Với những đại biểu đã nêu chất vấn nhưng chưa có thời gian để các bộ trưởng trả lời, Chủ tịch xin Quốc hội cho tổ chức một số phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp này, một số đại biểu đề nghị sau phiên chất vấn, Quốc hội phải ra nghị quyết làm cơ sở giám sát các bộ trưởng thực hiện lời hứa. Ông Trọng cho rằng với nghị quyết chất vấn đã ban hành, dù có tác dụng thúc đẩy trách nhiệm của các bộ trưởng, song thực tế vẫn chưa phải mạnh mẽ lắm. “Có lẽ nên chăng một năm Quốc hội chỉ ra nghị quyết về chất vấn một lần, chứ cuối năm ngoái đã ra, giờ lại ra tiếp, có khi nó nhàm nghị quyết” - ông Trọng gợi ý và xin phép được thảo luận thêm trong Thường vụ trước khi báo cáo Quốc hội về vấn đề này.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm