Pháp quyền Hồ Chí Minh: Từ độc lập dân tộc đến hạnh phúc của nhân dân

Độc lập: Tinh thần của Tuyên ngôn 2-9

Tinh thần độc lập Hồ Chí Minh xuất hiện từ Bản Yêu sách tám điểm mà Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Versailles tháng 6-1919. Mặc dù trong bản yêu sách ấy Người chưa đặt vấn đề đòi độc lập, giải phóng dân tộc... nhưng đó lại là tiếng chuông cảnh tỉnh nhiều người để tập hợp nhân dân hướng về những quyền cơ bản của con người (như tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do hội họp...). Những quyền ấy chỉ thực sự có được khi nào đất nước giành được độc lập.

Sau hơn hai mươi lăm năm đấu tranh liên tục, tinh thần độc lập ấy được tích tụ trong bản Tuyên ngôn ngày 2-9-1945. Nó khẳng định mạnh mẽ như một lời thề: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(1). Điều kỳ diệu của chân lý Việt Nam ấy về sau đã trở thành nguyên tắc lập hiến của nhiều nước sau khi giành được chủ quyền quốc gia, phù hợp với nguyên tắc lập hiến của thế giới đã ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền dân tộc tự quyết. Dân tộc không có độc lập thì công dân không có dân quyền, con người không có nhân quyền.

Suy cho cùng thì đây cũng là sự tổng kết hùng hồn tư tưởng Hồ Chí Minh và ước vọng của nhiều nhà yêu nước Việt Nam tiếp nối nhau qua các thời kỳ, các phong trào đấu tranh lập hiến cứu nước liên tục hàng nửa thế kỷ trước ngày Hiến pháp đầu tiên ra đời ở Việt Nam 6-11-1946.

Tự do hạnh phúc: Tinh thần của Hiến pháp 1946

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập của đất nước phải gắn liền với hạnh phúc của nhân dân. Bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2).

Hiến pháp năm 1946 - văn kiện pháp lý tối cao gắn liền với Tuyên ngôn độc lập. Đó là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta vạch cương lĩnh cao nhất để thực hiện ước vọng hạnh phúc của toàn dân tộc. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, chính Hồ Chí Minh đã nêu yêu cầu xây dựng Hiến pháp thành “vấn đề cấp bách hơn cả”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạnh phúc gắn liền với tự do. Bởi có quyền tự do thực sự thì nhân dân mới được hưởng hạnh phúc thực sự. Tự do bảo đảm cho hạnh phúc.

Hiến pháp 1946 quy định công dân có nhiều quyền tự do: các quyền về chính trị (như tất cả công dân Việt Nam đều có quyền bình đẳng với nhau về mọi phương diện, nam nữ bình đẳng, được tham gia chính quyền tùy theo tài năng và đức hạnh của mình; quyền tự do ứng cử và bầu cử, bỏ phiếu phải tự do...), các quyền tự do cá nhân (như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do đời tư về nhà ở, bí mật thư tín, tự do thân thể...), các quyền kinh tế-xã hội (như quyền tư hữu về tài sản, quyền được bảo đảm quyền lợi của người lao động trí óc và chân tay, quyền bảo hiểm xã hội đối với người già cả, tàn tật...), các quyền văn hóa (trẻ em được chăm sóc, giáo dục nuôi dưỡng, được giáo dục cấp thấp không phải trả tiền, học trò nghèo được nhà nước giúp đỡ, quyền tự do mở trường tư...).

Để bảo toàn nền độc lập, bảo đảm thực hiện tự do, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, ngay Lời nói đầu Hiến pháp 1946 đã nêu một nguyên tắc thực thi cơ bản là phải có “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm